90% các mẹ cho con ăn dặm sai cách: Hậu quả khôn lường!
Bác sĩ Nguyễn Thị Anh Xuân – Trưởng khoa Nhi – Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam Cu Ba cảnh báo, nếu cho con ăn dặm sai cách sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ tiêu hóa của trẻ, khiến bé chán ăn, cơ thể mất cân bằng dinh dưỡng, nguy hiểm hơn có thể dẫn đến tình trạng còi xương, suy dinh dưỡng.
Mục lục
Trẻ có thể tử vong do ăn dặm không đúng cách
Chị Nguyễn Thu Hà (ở Hà Nội) cho biết, con gái chị được 6,5 tháng tuổi nhưng chỉ nặng vỏn vẹn có 6,3kg (trong khi đó lúc mới sinh bé nặng 2,9 kg). Bé rất lười ăn nhưng vì nghĩ là do bé khảnh ăn nên chị cũng không quá lo lắng.
“Khi con được 4 tháng tuổi, tôi phải đi làm lại dặn bà cho cháu uống thêm 2 bữa sữa công thức. Khi con được 5 tháng tuổi, tôi bắt đầu cho con ăn 2 bữa bột ăn liền pha với sữa. Từ thời điểm đó, cháu bị rối loạn tiêu hóa triền miên. Tôi đã cho con uống men tiêu hóa nhưng tình trạng không thuyên giảm. Dù con không quấy khóc nhưng cân nặng không hề tăng trong suốt 2 tháng, thậm chí còn tụt mất 4 lạng” – chị Hà lo lắng cho hay.
Về trường hợp của bé, PGS. TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng, chế độ ăn của con chị Hà là không phù hợp. Lý do là bởi bé mới được 5 tháng tuổi mà chị Hà đã cho ăn 2 bữa bột ăn liền.
Ăn dặm sai cách là nguyên do khiến bé bú ít và bị rối loạn tiêu hóa, gây ra tình trạng sụt cân và đối diện với nguy cơ suy dinh dưỡng. Nếu chị Hà không điều chỉnh chế độ dinh dưỡng kịp thời thì khả năng bé bị suy dinh dưỡng và thấp còi hoàn toàn có thể xảy ra(*).
PGS Lâm giải thích, hệ tiêu hóa của trẻ 5 tháng tuổi còn rất non nớt và chưa hoàn thiện, trẻ chưa có đủ men tiêu hóa và dịch tiêu hóa còn ít, đặc biệt là chưa có men Amylase để tiêu hóa tinh bột. Do vậy, nếu mẹ cho bé ăn dặm sớm sẽ gây rối loạn tiêu hoá với các triệu chứng như đầy bụng, đi ngoài phân lổn nhổn, có mùi chua do không tiêu hóa và hấp thụ được thức ăn ngoài sữa.
“Đã có nhiều trường hợp các mẹ đưa con đến viện khi đã bị tiêu chảy kéo dài. Điều này rất nguy hiểm vì có thể khiến trẻ suy dinh dưỡng, thậm chí có thể gây tử vong nếu không được chữa trị kịp thời” – PGS Lâm cảnh báo(*).
Ăn dặm sai cách là gì?
Qua kinh nghiệm khám và điều trị các vấn đề về dinh dưỡng cho trẻ, TS – BS Phan Bích Nga – Giám đốc Trung tâm Khám và Tư vấn dinh dưỡng trẻ em, Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã chỉ ra những sai lầm khi cho con ăn dặm mà các mẹ hiện đại thượng hay mắc nhất:
1. Cho trẻ ăn dặm không đúng thời điểm
Theo khuyến cáo của tổ chức Y tế thế giới, thời điểm thích hợp nhất để cho trẻ bắt đầu tập ăn dặm là 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, có nhiều mẹ vì lý do nào đó đã cho bé ăn dặm từ lúc 3-4 tháng tuổi. Đây là việc làm hết sức sai lầm vì lúc này hệ tiêu hóa của bé còn quá non nớt nên khả năng tiêu hóa tinh bột là rất kém. Hơn thế, việc ăn dặm quá sớm còn có nguy cơ gây rối loạn tiêu hóa, chậm tăng cân, chán ăn, thậm chí có thể dẫn tới suy dinh dưỡng.
Ngược lại với các trường hợp cho con ăn dặm quá sớm, nhiều mẹ lại thấy con thích ăn sữa và tăng cân tốt nên không hề tập cho con ăn bột, cháo và các thực phẩm khác dù con đã được 6 tháng tuổi. Không chỉ việc cho con ăn dặm sớm mới có tác hại, ăn dặm muộn cũng có thể ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng của trẻ khiến trẻ phản kháng không chịu ăn các thức ăn khác ngoài sữa và đặc.
2. Khẩu phần ăn của trẻ chứa quá nhiều đạm
Hầu hết các mẹ đều có mong muốn con béo con khỏe nên cho rằng phải cho bé ăn càng nhiều chất đạm như thịt, cá càng tốt. Nhưng việc khẩu phần ăn hàng ngày quá nhiều đạm không những khiến trẻ bị rối loạn tiêu hóa mà còn dẫn tới chứng biếng ăn ở trẻ.
3. Dùng nước xương/thịt hầm nấu cháo cho trẻ
Thói quen ăn dặm sai cách tiếp theo của nhiều bà mẹ Việt đó là dùng nước hầm xương, hầm thịt để nấu cháo ăn dặm sẽ giúp bé cứng cáp hơn vì chứa nhiều đạm và canxi. Nhưng thực tế thì sao? Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, trong nước xương, nước thịt hầm chứa nhiều nitơ nên chỉ có tác dụng tạo mùi vị thơm ngon cho món ăn, trong khi đó các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể trẻ như canxi và protid lại rất khó hòa tan trong nước nên vẫn còn lại trong xương, thịt.
4. Lạm dụng máy xay sinh tố
Nhiều bà mẹ cho rằng, việc xay nhuyễn đồ ăn cho bé bằng máy xay sinh tố sẽ giúp trẻ dễ nhai, dễ tiêu hóa và ăn được nhiều loại thực phẩm cùng lúc. Tuy nhiên, việc cho bé ăn đồ ăn xay nhuyễn trong thời gian dài sẽ khiến trẻ chỉ có phản xạ nuốt, bỏ qua giai đoạn nhai, không kích thích được dịch vị nên không có cảm giác thèm ăn, theo thời gian bé sẽ lười ăn. Không chỉ vậy, việc ăn quen thức ăn xay nhuyễn sẽ dễ gây nôn trớ khi bé ăn các món ăn thô hơi lạo xạo.
5. Chiều theo sở thích của con
Nhiều mẹ lại mắc sai lầm là chiều theo sở thích ăn uống của con mà quên đi việc cân bằng chế độ dinh dưỡng cho bé. Nếu bé ăn 1 thực phẩm trong thời gian dài và bỏ qua các thực phẩm khác sẽ gây tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng, ảnh hưởng lớn tới sự phát triển trí não và thể chất.
6. Ép con ăn quá nhiều và ăn hết khẩu phần ăn
Ở mỗi giai đoạn, nhu cầu năng lượng của bé là khác nhau nên các mẹ cần lưu ý cung cấp hàm lượng dinh dưỡng phù hợp. Nếu bắt ép bé ăn nhiều quá, bữa nào cũng cố ép ăn hết bát dễ khiến bé chán ăn và sợ ăn.
7. Cho trẻ ăn ít rau
Cho trẻ ăn ít rau cũng là thói quen ăn dặm sai cách. Thay vì cho bé ăn phong phú các loại rau, hầu hết các mẹ đều chỉ có bé ăn bí đỏ, cà rốt, rau cải… Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, các loại rau có lá màu xanh sẫm và các loại củ màu vàng rất tốt cho trẻ em.
8. Không cho hoặc cho rất ít dầu ăn
Việc không cho hoặc cho rất ít dầu vào đồ ăn nên không cung cấp đủ năng lượng cho trẻ cũng là sai lầm thường gặp của các mẹ. Thực ra dầu ăn dễ tiêu hóa lại rất giàu năng lượng và giúp hòa tan các chất khác khiến cơ thể dễ hấp thu.
9. Nấu một nồi cháo ăn cả ngày
Ngoài ra, nhiều mẹ còn có thói quen nấu một nồi cháo có đầy đủ rau và thịt từ sáng rồi bảo quản trong tủ lạnh cho bé ăn cả ngày. Đến bữa sẽ đem hâm nóng lại, việc nấu một nồi cháo ăn cả ngày sẽ khiến cháo có mùi khó chịu, rau giảm chất lượng và trẻ sẽ không thích ăn.
10. Lạm dụng gia vị
Việc cho gia vị vào đồ ăn trước khi bé được 9 tháng tuổi cũng là điều hoàn toàn không nên.
11. Cho trẻ ăn kéo dài quá 30 phút
Việc kéo dài thời gian ăn uống để con ăn hết khẩu phần ăn là điều các mẹ không nên làm. Điều này không chỉ gây ức chế đối với mẹ mà còn vô tình khiến trẻ biếng ăn. Tốt nhất mẹ chỉ nên cho bé ăn trong thời gian là 30 phút.
Hậu quả khôn lường khi cho trẻ ăn dặm sai cách
Cho trẻ ăn dặm sai cách tiềm ẩn rất nhiều mối nguy hại cho sức khỏe của trẻ. Cụ thể:
- Trẻ ăn nhiều nhưng vẫn chậm lớn, không tăng cân.
- Trẻ bị còi xương, suy dinh dưỡng, thấp còi.
- Làm tăng nguy cơ trẻ bị rối loạn tiêu hóa, đầy bụng, khó tiêu.
- Tăng khả năng dị ứng thức ăn, nhất là với các bé có cơ địa nhạy cảm.
- Trẻ chán ăn, lười ăn và dễ béo phì do ăn dặm không đúng cách và không điều độ.
- Trẻ không biết nhai và chậm phát triển.
- Làm tổn thương thận.
Chuyên gia dinh dưỡng tư vấn nguyên tắc ăn dặm đúng cách
Theo kinh nghiệm được đúc kết từ việc chăm sóc sức khỏe trẻ em của Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ, việc cho trẻ ăn dặm cần chú ý những nguyên tắc sau:
– Thời điểm lý tưởng để tập cho trẻ ăn dặm là khi tròn 6 tháng tuổi. Vì lúc này hệ tiêu hóa đã phát triển khá hoàn chỉnh, có thể hấp thu các thức ăn đặc và phức tạp hơn sữa mẹ.
– Cho trẻ tập ăn dặm các thức ăn gần giống với sữa công thức hoặc sữa mẹ để bé làm quen với những thức ăn mới lạ và thích nghi với việc ăn dặm, từ đó việc ăn uống của trẻ cũng trở nên dễ dàng hơn.
– Nên tuân thủ nguyên tắc “ngọt – mặn” khi bắt đầu tập cho trẻ ăn dặm. Thông thường, bột ngọt sẽ là lựa chọn đầu tiên khi các mẹ tập cho trẻ ăn dặm vì mùi vị gần giống với sữa công thức và sữa mẹ. Sau đó, sẽ thay thế bằng bột mặn với nhiều thành phần dinh dưỡng hơn.
– Nguyên tắc “ít – nhiều” nhằm tập luyện cho hệ tiêu hóa của trẻ thích ứng dần với lượng và thành phần thức ăn ngày càng phong phú. Theo đó, trong tháng đầu mẹ nên cho ăn 1 – 2 muỗng bột/ lần rồi tăng dần lên 1/3 bát, 1/2 bát…
– Nguyên tắc “loãng – đặc” cũng là điều các mẹ cần ghi nhớ để quá trình ăn dặm của trẻ diễn ra suôn sẻ. Nguyên tắc này giúp trẻ không bị “phản ứng” khi tiếp xúc với thức ăn lạ và hệ tiêu hóa của trẻ có thể bắt nhịp kịp với quá trình tiêu hóa những thức ăn phức tạp hơn.
– Nguyên tắc “không ép trẻ ăn” là khi trẻ không muốn ăn nữa hoặc tỏ ra phản đối việc ăn dặm, các mẹ nên cho trẻ tạm ngưng việc ăn dặm khoảng 5 – 7 ngày để trẻ không bị căng thẳng trong việc ăn dặm.
– Nguyên tắc “tô màu chén bột” nghĩa là bột ăn dặm của trẻ cũng đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm quan trọng (nhóm bột đường, nhóm chất đạm, nhóm chất béo, nhóm vitamin và khoáng chất) giúp trẻ phát triển tốt.
Gọi ngay tới Tổng đài (miễn phí cước) 1800 1125 để được dược sĩ tư vấn chi tiết
(*) Theo Infonet.vn