Mẹ nên xử lý thế nào trước tình trạng trẻ đi ngoài phân sống?

Tình trạng trẻ đi ngoài phân sống kéo dài có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của bé như sụt cân, còi xương, chậm lớn và suy dinh dưỡng nặng. Vậy các bà mẹ nên làm gì để cải thiện tình trạng phân sống hãy cùng chúng tôi tìm hiểu vấn đề này ngay dưới đây.

Thế nào là đi ngoài phân sống ở trẻ em?

Đi ngoài phân sống là hiện tượng trong phân có chứa các hạt lợn cợn, chất nhầy, có khi nhìn thấy cả rau, hạt vì thực phẩm chưa được tiêu hóa hết… Ngoài ra, một số trẻ đi ngoài phân có lúc rắn, lúc sền sệt, có khi nước riêng, phân riêng, đôi khi phân có màu vàng ngả qua xanh.

Theo các bác sĩ, nếu trẻ đi ngoài phân sống từ 1-3 lần/ngày sẽ không quá đáng lo bởi hệ tiêu hóa của trẻ sẽ tự hồi phục và đào thải các độc tố ra bên ngoài.

Nếu trẻ đi 4 – 5 lần trở lên, phân có chứa rất nhiều nước – đây có thể là dấu hiệu trẻ bị tiêu chảy. Tình trạng này sẽ kéo theo các dấu hiệu chậm tăng cân, lười bú, người mệt mỏi. Khi đi ngoài tăng lên tới 10 lần thì con đã bị tiêu chảy cấp cần đưa con đi khám ngay.

Trẻ đi ngoài phân sống

Mẹ cần theo dõi sát sao tình trạng trẻ đi ngoài phân sống

Nguyên nhân gây ra hiện tượng đi ngoài phân sống

– Chế độ ăn không khoa học, thiếu cân bằng chất dinh dưỡng: Tâm lý chung của các bà mẹ luôn lo con yêu thiếu chất dinh dưỡng và chậm lớn. Chính vì vậy mẹ thường có thiên hướng cho con sử dụng các loại thực phẩm chứa nhiều đạm (sữa, trứng, cá, thịt…), chất béo… gây ra tình trạng mất cân bằng giữa các nhóm dinh dưỡng, khiến hệ tiêu hóa của trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đây cũng chính là nguyên nhân gây ra táo bón, tiêu chảy, trẻ đi ngoài phân sống do cơ thể không hấp thụ hết chất dinh dưỡng.

– Môi trường sống không đảm bảo vệ sinh: Môi trường ô nhiễm sẽ tác động tới hệ miễn dịch của trẻ. Trẻ hay bị ốm và phải sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị. Từ đó hệ tiêu hóa của bé sẽ bị ảnh hưởng.

– Sử dụng thuốc kháng sinh dài ngày: Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho hệ tiêu hóa của trẻ bị tổn thương. Thuốc kháng sinh vô tình tiêu diệt các vi khuẩn có lợi cho đường ruột, làm giảm khả năng hấp thu dinh dưỡng. Từ đó trẻ sẽ chậm lớn, còi xương, suy dinh dưỡng.

trẻ uống kháng sinh

Trẻ dùng kháng sinh dài ngày gây rối loạn tiêu hóa

Làm gì để cải thiện tình trạng trẻ đi ngoài phân sống?

Một số bà mẹ đã tự ý mua các loại thuốc chống tiêu chảy cho con uống. Điều này rất nguy hiểm bởi thức ăn dư thừa trong ruột không được đào thải ra ngoài có nguy cơ tắc ruột rất cao.

Bên cạnh đó, nhiều bà mẹ cũng phàn nàn rằng dù đã sử dụng đúng thuốc và liệu trình điều trị của bác sĩ nhưng con không khỏi hẳn; được ít ngày con lại đi ngoài, cân nặng ngày càng giảm.

Các bác sĩ cảnh báo, khi con gặp phải tình trạng đi ngoài nhiều lần trong ngày thì mẹ nên đưa bé đi khám và làm các xét nghiệm phân để biết nguyên nhân chính xác. Từ đó kết hợp dùng các loại thuốc điều trị của bác sĩ cùng với một chế độ ăn uống khoa học, cân bằng dưỡng chất để hệ tiêu hóa của bé được cải thiện dần dần.

Một số thực phẩm cho bé dễ tiêu hóa như cháo xay với thịt gà, bò, thịt thăn; cà rốt; bí đỏ… Cho bé ăn liên tục từ 1-2 tuần. Hạn chế lượng dầu mỡ trong thức ăn của trẻ và kiêng các đồ ăn tanh như tôm, cua, cá…

Khi hệ tiêu hóa của bé vẫn còn yếu và nhạy cảm, cha mẹ cần hạn chế các thực phẩm khó tiêu hóa như nước ngọt có ga, ngô, đỗ. Nếu đường ruột của trẻ đã ổn định trở lại, mẹ cũng không nên quá nóng vội mà cho bé ăn các loại thực phẩm chứa nhiều đạm, chất béo. Thường xuyên theo dõi phân của trẻ để có cách điều chỉnh chế độ ăn kịp thời.

Rate this post

Bình luận (0)

Leave a Reply

Chưa có bình luận nào. Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài.


Danh sách nhà thuốc