Những điều mẹ nên biết về tình trạng trẻ đi ngoài phân sống
Mọi sự bất ổn về hoạt động tiêu hóa của con trẻ đều biểu hiện rõ nhất qua phân của trẻ. Hiện tượng đi ngoài phân sống tuy không phải quá nguy hiểm, nhưng nếu kéo dài lâu ngày, trẻ dễ bị còi xương, suy dinh dưỡng, kém hấp thu dưỡng chất cần thiết cho cơ thể trẻ phát triển toàn diện. Trẻ đi ngoài phân sống do nguyên nhân gì? Khắc phục tình trạng này ra sao? Hãy cùng chúng tôi tìm câu trả lời trong những chia sẻ dưới đây nhé!
Mục lục
1. Nguyên nhân khiến trẻ đi ngoài phân sống
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ đi ngoài phân sống, cụ thể như:
- Chế độ ăn uống không khoa học:
Nhiều cha mẹ vì nóng vội muốn con mau lớn, tăng cân nhanh, khoẻ mạnh hơn nên thường cho con ăn nhiều đạm, nhiều chất béo, nhiều đồ ăn giàu dưỡng chất. Chính chế độ ăn uống không khoa học này gây sự mất cân bằng các nhóm dinh dưỡng, tạo “gánh nặng” cho hệ tiêu hóa, trong khi hệ tiêu hóa của trẻ còn non yếu, không ổn định, không “xử lí” hết được các thức ăn đã hấp thụ, dẫn tới rối loạn tiêu hóa, dễ gặp phải các hiện tượng như tiêu chảy, đi ngoài phân sống,…
- Do dùng thuốc kháng sinh dài ngày:
Việc dùng thuốc kháng sinh liên tục, dài ngày đã tiêu diệt hết vi khuẩn, bao gồm cả hại khuẩn và lợi khuẩn trong đường ruột, hệ tiêu hóa của trẻ. Lúc này, hệ tiêu hóa của trẻ rất “non nớt”, dễ bị tổn thương, không thể tiêu hóa tốt thức ăn đã hấp thụ, gây ra hiện tượng đi ngoài phân sống.
- Môi trường sống thiếu vệ sinh:
Môi trường sống của trẻ bao gồm: khí hậu, thời tiết, nguồn nước, sân chơi, … của trẻ nếu thiếu vệ sinh, ô nhiễm sẽ khiến hệ miễn dịch của trẻ suy yếu, ít có khả năng chống đỡ bệnh tật, sẽ khiến trẻ dễ ốm sốt, phải thường xuyên dùng thuốc kháng sinh để chữa bệnh. Từ đó, khiến hệ tiêu hóa bị tổn thương và dễ bị đi ngoài phân sống, tiêu chảy, khiến trẻ chậm tăng cân, chậm lớn, gầy còm.
- Trẻ ăn dặm quá sớm:
Nhiều gia đình cho con ăn dặm quá sớm khi hệ tiêu hóa không kịp thích nghi, không thể tiêu hóa hết được lượng thức ăn này khiến trẻ bị rối loạn tiêu hóa, đi ngoài phân sống.
Ngoài ra, nhiều trường hợp trẻ bị đi ngoài phân sống do chức năng gan, mật của trẻ kém, cơ thể trẻ nhiễm khuẩn.
2. Nhận biết tình trạng trẻ đi ngoài phân sống qua những dấu hiệu nào?
Cha mẹ có thể nhận diện chứng bệnh đi ngoài phân sống ở trẻ qua những dấu hiệu sau khi quan sát phân trẻ:
- Phân trẻ không ổn định hình thái, lúc rắn, lúc sền sệt, hoặc nước và phân riêng biệt.
- Trong phân trẻ có các thực phẩm đã ăn nhưng chưa hề được tiêu hóa, còn rõ màu sắc, hình thái
- Phân có màu vàng xanh, thường được ví như màu hoa cải.
3. Khắc phục tình trạng trẻ đi ngoài phân sống như thế nào?
Hiện tượng đi ngoài phân sống nếu không xử lý đúng cách sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ, trẻ dễ mệt mỏi, chán ăn, hấp thu kém, suy dinh dưỡng, còi cọc, chậm lớn.
Khi trẻ nhà bạn bị đi ngoài phân sống, cha mẹ nên cho trẻ đến bệnh viện thăm khám, xét nghiệm để biết chắc chắn nguyên nhân, từ đó nhận được lời chỉ dẫn điều trị từ bác sĩ điều trị.
Bên cạnh đó, cha mẹ cần chăm sóc tốt cho trẻ ở nhà theo những lưu ý sau:
- Cha mẹ cần chú ý môi trường sống, chế độ ăn uống của trẻ cần đảm bảo vệ sinh tốt, nghỉ ngơi và uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, theo dõi tình trạng phân đi ngoài của trẻ cho tới khi khỏi bệnh.
- Trẻ nên ăn các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng nhưng dễ tiêu hoá, mềm lỏng như súp, cháo ninh nhừ, nấu cùng thịt gà, thịt bò, thịt thăn cùng các loại rau củ như cà rốt, khoai tây, bí đỏ,… xay nhuyễn.
- Nên hạn chế cho con ăn các món ăn khó tiêu như ngô, đỗ, nước ngọt nhiều đường, nước có ga, đồ ăn nhanh, quá nhiều đạm, chất béo, nhiều dầu mỡ, nhiều đường,…
- Không cho trẻ ăn các thực phẩm tanh như cá, tôm, cua, lươn,… cho đến khi trẻ khỏi bệnh, phân đi ngoài rở lại bình thường mới ăn được các thức ăn này.
Bên cạnh đó, nên bổ sung thêm các chủng vi khuẩn có lợi cho tiêu hóa bằng việc ăn thêm sữa chua, sử dụng men vi sinh mỗi ngày.
Liên hệ tổng đài chăm sóc sức khỏe 1800 1125 để được tư vấn, hỗ trợ miễn phí.
Bình luận (0)
Chưa có bình luận nào. Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài.