Rotavirus là gì? Cách điều trị rotavirus gây tiêu chảy ở trẻ

Rotavirus là loại vi rút đường ruột phổ biến nhất, thường gây tiêu chảy nặng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Theo thống kê, mỗi năm, virus rota cướp đi sinh mạng của hơn 610.000 trẻ em trên toàn thế giới. Do vậy bố mẹ tuyệt đối không nên chủ quan khi thấy trẻ bị tiêu chảy do virus rota. Cùng tìm hiểu rotavirus là gì? Triệu chứng nhiễm virus rota? Cách điều trị và phòng ngừa rotavirus qua bài viết dưới đây!

Rotavirus là gì

Rotavirus là loại vi rút đường ruột phổ biến nhất, thường gây tiêu chảy nặng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Rotavirus là gì?

Rotavirus là virus gây tiêu chảy cấp nặng ở trẻ thường gặp nhất. Dù bệnh tiêu chảy do Rotavirus thường xảy ra ở trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi, nhưng tất cả mọi người đều có thể bị nhiễm siêu vi này.

Theo thống kê, mỗi năm, virus rota cướp đi sinh mạng của hơn 610.000 trẻ em trên toàn thế giới. Trong khi đó tại Việt Nam, cứ 2 trẻ nhỏ nhập viện vì tiêu chảy cấp thì có 1 trường hợp là do bị nhiễm Rotavirus.

Con đường lây lan chủ yếu của Rotavirus là qua đường phân và miệng, ngoài ra còn có thể lây theo đường hô hấp. Virus rota có thể sống trên các bề mặt tiếp xúc như đồ chơi, tay vịn, mặt bàn ghế, trong nước hoặc trên da. Trẻ nhỏ thường bị nhiễm Rotavirus qua bàn tay bị nhiễm bẩn của mình.

Các triệu chứng nhiễm virus rota phổ biến

Thông thường, sau khi bị lây nhiễm virus rota gây tiêu chảy khoảng từ 12 tiếng cho đến 4 ngày, trẻ sẽ bắt đầu xuất hiện các biểu hiện và triệu chứng dưới đây:

  • Nôn ói: Thường xuất hiện trước tiêu chảy và có thể kéo dài 2-3 ngày. Trẻ nôn ói rất nhiều vào ngày đầu tiên, sau đó giảm bớt khi bắt đầu có triệu chứng bị tiêu chảy. Đặc biệt, chất nôn là thức ăn chứ không lẫn các chất màu vàng, màu nâu như biểu hiện ở trẻ tắc ruột.
  • Tiêu chảy cấp: Trẻ đi ngoài nhiều lần trong ngày (có thể lên đến 20 lần/ngày). Phân lỏng toàn nước, có lúc màu xanh dưa cải, có thể có đờm, nhớt nhưng không có máu.
Triệu chứng trẻ nhiễm rotavirus

Sốt, tiêu chảy là 2 triệu chứng phổ biến khi trẻ bị nhiễm virus rota

  • Sốt vừa phải.
  • Đau bụng.
  • Có thể kèm theo ho và sổ mũi.

Các bác sĩ khuyến cáo, bố mẹ cần đưa trẻ tới bệnh viện khi thấy có một trong các biểu hiện nhiễm virus rota sau:

  • Đi ngoài liên tục, phân lỏng.
  • Nôn tái diễn.
  • Trẻ rất khát và đòi uống nước liên tục.
  • Bỏ bú hoặc ăn uống kém.
  • Tình trạng bệnh không thuyên giảm sau 2 ngày điều trị tại nhà.

Phân biệt tiêu chảy do ngộ độc thức ăn và tiêu chảy cấp do virus rota

Dù đã biết Rotavirus là gì? nhưng rất nhiều bố mẹ vẫn còn nhầm lẫn tiêu chảy do ngộ độc thức ăn và tiêu chảy do nhiễm virus rota. Để phân biệt chính xác, các mẹ cần nắm rõ các triệu chứng khi bị ngộ độc thức ăn sau:

– Trẻ nôn nói bất chợt, ăn uống bất cứ thức ăn nào cũng nôn. Sau đó tiếp tục bị nôn khan và không ăn gì cũng nôn.

– Trẻ bị sôi bụng, đau bụng, chướng bụng.

– Đi ngoài nhiều hơn so với thường ngày (khoảng 5-10 lần/ngày).

– Phân sống, lợn cợn, hôi tanh, thậm chí ăn gì đi ngoài ra đó.

Nguyên nhân của bệnh tiêu chảy do Rotavirus

Các nguyên nhân của bệnh tiêu chảy do nhiễm virus rota gồm có:

  • Người và một số động vật như cừu, bò, chó, khỉ,… có thể là ổ chứa virus.
Rotavirus có cấu tạo như thế nào

Rota virus ở động vật có thể lây lan trực tiếp sang người hoặc tái tổ hợp với các chủng rota gây bệnh trên người.

  • Virus rota có thể gây bệnh trên động vật như trâu, bò, khỉ, cừu, chuột, chó, ngựa, mèo, thỏ… chưa trưởng thành và có thể lây bệnh cho người. Rota virus ở động vật có thể lây lan trực tiếp sang người hoặc tái tổ hợp với các chủng rota gây bệnh trên người.
  • Trẻ bú bình không được vệ sinh sạch sẽ có nguy cơ bị nhiễm virus gây tiêu chảy cao hơn gấp nhiều lần so với trẻ bú mẹ hoặc không bú bình.
  • Trẻ ăn thức ăn đã nấu và để lâu ở trong nhiệt độ phòng, thức ăn đã bị ô nhiễm trước và sau khi chế biến.
  • Nước uống không sạch, chưa được đun sôi, nước để quá lâu hoặc nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm.
  • Tay của người chế biến thức ăn và dụng cụ chế biến thức ăn bị nhiễm virus rota.
  • Việc xử lý chất thải đã nhiễm bệnh không đúng cách.
  • Không rửa tay trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho ăn và sau khi đi vệ sinh.

Các biến chứng nguy hiểm khi nhiễm Rotavirus

Khi bị tiêu chảy cấp cơ thể trẻ thường rất mệt mỏi, kém ăn, sụt cân. Đặc trưng khi trẻ bị nhiễm virus rota là gây nôn mửa và tiêu chảy liên tục, dẫn tới biến chứng nguy hiểm là khô kiệt do mất nước, mất muối dẫn đến trụy mạch, nặng hơn là tử vong do không được bù nước kịp thời và chăm sóc đúng cách.

Đây cũng là biến chứng nguy hiểm của bệnh tiêu chảy do virus rota và cũng là nguyên nhân phổ biến nhất khiến trẻ phải nhập viện cao hơn và tình trạng nặng hơn so với các trường hợp tiêu chảy do các nguyên nhân khác.

Cần theo dõi để xử lý kịp thời nếu trẻ bị mất nước do tiêu chảy

Chính vì vậy, các bậc cha mẹ không nên chủ quan khi thấy trẻ có các biểu hiện mất nước như: môi khô, da khô, lưỡi khô, tiểu ít, quấy khóc, kích thích.

Cách điều trị rotavirus ở trẻ em

Các bác sĩ cho biết, bệnh tiêu chảy do rotavirus không thể điều trị bằng thuốc kháng sinh, cũng như không có thuốc điều trị đặc hiệu. Cách  điều trị virus rota ở trẻ em tốt nhất là bù nước, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng và có cách chăm sóc trẻ bị virus rota đúng cách. Cụ thể:

Bù nước

Điều quan trọng nhất khi trẻ bị tiêu chảy do rotavirus là bố mẹ phải tiến hành bù nước, bù chất điện giải, tốt nhất là bằng nước oresol. Điều bố mẹ cần lưu ý là phải pha theo đúng quy định, không pha quá đặc hoặc quá loãng sẽ càng gây rối loạn nước và điện giải khiến tình trạng tiêu chảy nguy hiểm hơn và trẻ rất có thể sẽ bị tử vong.

Bố mẹ có thể pha cả gói nhưng thể tích nước phải đong thật chính xác. Nên đút từng thìa oserol cho bé, cứ 2 phút 1 lần, không nên cho bé uống liên tục hoặc tu một hơi hết. Việc uống quá nhiều và uống liên tục không những không thể hấp thu vào đường ruột mà còn có thể gây nôn khiến lượng nước mất đi nhiều hơn. Nếu trẻ bị nôn khi uống oserol, bố mẹ nên dừng lại và cho trẻ uống từ từ hơn.

Thực tế, có nhiều bố mẹ bù nước và chất điện giải cho con không hợp lý. Ví dụ có gia đình chỉ cho bé uống nước lọc, hoặc cho trẻ uống nước hoa quả pha đường, nước gạo nên không hiệu quả. Thậm chí là cho uống cả nước soda, coca và các loại nước có gas bị chỉ định cấm dùng cho trẻ tiêu chảy khiến tình trạng bệnh nặng hơn.

Bổ sung nước cho trẻ bị nhiễm virus rota

Điều quan trọng nhất khi trẻ bị tiêu chảy do rotavirus là bố mẹ phải tiến hành bù nước, bù chất điện giải

Dinh dưỡng

Ngoài việc chú trọng đến việc bù nước, bù điện giải, bố mẹ cũng cần có chế độ ăn uống và dinh dưỡng phù hợp cho trẻ. Hầu hết các mẹ đều có suy nghĩ rằng, trẻ bị tiêu chảy thì không nên ăn thịt, cá, đường, sữa hay các chất tanh. Tuy nhiên, theo các bác sĩ điều này đã vô tình làm giảm đi sự chống đỡ bệnh tật của trẻ, tiêu chảy càng kéo dài và nguy cơ bị suy dinh dưỡng rất cao.

Do vậy, ngay cả khi trẻ bị tiêu chảy, bố mẹ vẫn cần đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ, vẫn cho trẻ bú bình thường, ăn các thực phẩm và thức ăn dễ tiêu hóa như chuối tiêu, cháo loãng, uống sữa…, đồng thời chia thành nhiều bữa ăn nhỏ. Nếu trẻ uống sữa mà bị tiêu chảy nhiều mẹ nên sử dụng loại không chứa lactose.

Tuy nhiên, do mệt mỏi khó chịu và chướng bụng nên trẻ rất biếng ăn. Nhưng cha mẹ không nên quá lo lắng và ép con ăn bằng được. Hiện tượng đầy hơi sẽ hết sau khoảng 1-2 ngày, bố mẹ nên cho bé ăn từng chút một.

Đặc biệt, bố mẹ không nên cho trẻ ăn các loại lá và quả chát có nhiều chất tanin như lá ổi xanh, lá nhọ nồi, quả hồng xiêm xanh, quả ổi xanh,… Chất tanin trong các thực phẩm này có công dụng làm săn màng ruột, nên có khả năng cầm tiêu chảy ngay lập tức.

Tuy nhiên cách điều trị theo kinh nghiệm dân gian này có thể gây hại cho trẻ. Bởi tình trạng tiêu chảy chỉ đỡ giả tạo, trong khi đó các tác nhân bệnh như virus, nấm, vi khuẩn,… bị đào thải rất chậm do màng ruột bị săn, khiến bệnh kéo dài và thậm chí còn nặng hơn.

Tuyệt đối không dùng thuốc cầm tiêu chảy, thuốc kháng sinh

Khi trẻ bị tiêu chảy do virus rota, bố mẹ tuyệt đối không được tự ý cho con uống thuốc kháng sinh.

Tuyệt đối không tự ý cho trẻ dùng thuốc cầm tiêu chảy, thuốc kháng sinh

Bệnh không những không khỏi mà trẻ còn có nguy cơ bị rối loạn vi khuẩn đường tiêu hóa, khiến tiêu kéo dài hoặc trở nặng hơn, chưa kể đến các tác dụng phụ do thuốc kháng sinh gây ra.

Ngoài ra, các bác sĩ cũng khuyến cáo, bố mẹ cũng tuyệt đối không được tự ý cho con uống thuốc cầm tiêu chảy vì chúng không có khả năng tiêu diệt virus mà còn làm giảm nhu động ruột, làm liệt ruột khiến phân không được thải ra ngoài gây chướng bụng, tắc ruột, thủng ruột, thậm chí dẫn đến tử vong. 

Trong trường hợp đã áp dụng các phương pháp điều trị tại nhà 2 ngày nhưng bệnh tiêu chảy không có dấu hiệu thuyên giảm hoặc nghiêm trọng hơn, bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được theo dõi và điều trị kịp thời.

Cách phòng bệnh tiêu chảy do Rotavirus ở trẻ em

Tổ chức Y tế thế giới WHO khuyến cáo, bố mẹ nên tiêm chủng cho tất cả trẻ nhỏ để phòng ngừa bệnh tiêu chảy do Rotavirus. Vắc xin phòng bệnh tiêu chảy do nhiễm virus rota được dùng qua đường uống. Trẻ từ 6 tuần tuổi trở đi có thể đi nhỏ vắc xin, uống 2 lần, mỗi lần cách nhau 1 tháng, tốt nhất nên cho trẻ uống trước 6 tháng tuổi.

Bên cạnh đó, trẻ có thể nhiễm rotavirus qua đường tiêu hóa từ đồ uống, thức ăn, đồ vật nhiễm bẩn. Do vậy, việc rửa tay và giữ vệ sinh tay sạch sẽ là biện pháp cơ bản để phòng ngừa bệnh. Bố mẹ nên tập thói quen rửa tay trước khi cầm thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh cho trẻ.

Cuối cùng, bố mẹ cần đảm bảo đủ dinh dưỡng trong chế độ ăn uống hàng ngày của bé để trẻ có đủ sức đề kháng chống đỡ bệnh,  giúp cơ thể nhanh chóng phục hồi, không bị thiếu dinh dưỡng sau khi bị tiêu chảy.

Hy vọng qua những thông tin chúng tôi chia sẻ ở trên, các mẹ đã biết Rotavirus là gì? đồng thời biết cách xử lý đúng đắn khi con không may bị nhiễm virus rota gây tiêu chảy. Chúc các bé luôn khỏe mạnh và phát triển toàn diện!

Rate this post

Danh sách nhà thuốc