Thai nhi bao nhiêu tuần thì biết đạp, biết máy trong bụng mẹ?

Mang thai là thiên chức và cũng là niềm hạnh phúc của các bà mẹ. Theo dõi thai máy là một yêu cầu quan trọng dành cho các mẹ bầu để nắm được tình hình sức khỏe thai nhi. Hãy cùng các bác sĩ sản phụ khoa giải đáp thắc mắc “khi nào thai biết đạp” và “khi nào thai máy” các mẹ nhé.

Thai nhi bao nhiêu tuần thì biết đạp trong bụng mẹ?

Hỏi: Cháu mang thai đã được 17 tuần rồi mà vẫn chưa thấy con đạp gì cả. Cháu muốn hỏi bác sĩ là thông thường thai nhi biết đạp khi nào? vào khoảng bao nhiêu tuần tuổi ạ? Cháu rất sốt ruột muốn được cảm nhận thấy những cử động của con nhưng bé nhà cháu không đạp thế này có bình thường không thưa bác sĩ? Cám ơn sự tư vấn của bác sĩ.

khi nào thì thai nhi biết máy biết đạp 1

Bác sĩ tư vấn:

Bất kỳ người mẹ tương lai nào cũng đều mong muốn có thể cảm nhận được những cú đạp đầu tiên của con. Đây là một cảm xúc thú vị, một dấu ấn đặc biệt cho người mẹ cảm nhận rõ ràng mầm sống hiện hữu trong cơ thể và là một bằng chứng cho thấy bé yêu đang phát triển khỏe mạnh trong bụng mẹ.

Băn khoăn của cháu là thai nhi bao nhiêu tuần thì biết đạp, xin trả lời rằng không phải bé nào cũng có sự phát triển như nhau. Vì thế mốc thời gian bé biết đạp trong bụng mẹ cũng có khác nhau đôi chút. Thông thường khi bà bầu mang thai được 16 tuần là sẽ cảm nhận được chút thay đổi, cử động, di chuyển của thai nhi. Lúc này, bé hoạt động khá tích cực trong bụng mẹ rồi. Bé có thể chuyển động tay, chân, đấm, đá, vặn vẹo, nhào lộn… Cảm giác này ở những bà mẹ có kinh nghiệm sẽ nhận ra rõ ràng hơn so với những bà mẹ lần đầu mang thai.

Cháu đang ở tuần thai kỳ thứ 17 và chưa thể cảm nhận được việc con đạp thì không nên lo lắng quá. Thực chất, chuyển động lúc này khá nhẹ nên cháu chưa cảm nhận được rõ đấy thôi. Mặc dù ở thời điểm này, những chuyển động của bé mạnh mẽ và phức tạp hơn trước nhưng phải đến tuần thứ 22, cảm giác mới dần rõ ràng, chính xác hơn.

Nhiều khi bé chơi trong bụng mà cháu không cảm nhận được. Cháu hãy nằm thư giãn, nghe nhạc, xoa nhẹ lên bụng, trò chuyện với con, đừng suy nghĩ, phân tâm tới những điều gì khác xung quanh, lúc ấy cháu sẽ thấy con mình có nhiều động tác chơi đùa trong bụng mẹ đó. Bé đạp nhiều hay ít, mạnh hay nhẹ không quan trọng bằng việc bản thân cháu ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, thư giãn đầu óc để bé yêu khỏe mạnh.

Chúc cháu và bé mạnh khỏe.

Khi nào thì thai máy?

Em đang có thai được 18 tuần 6 ngày . Và bé trong bụng đã bắt đầu “máy” mạnh nhẹ suốt ngày từ 2 tuần trước. 2 ngày gần đây em cảm nhận thấy bé yên lặng hơn, thỉnh thoảng chị gợn nhẹ như sóng thôi. Bác sĩ ơi cho em hỏi thời gian bé “máy” chuyển động trong bụng mẹ như vậy có bình thường không? Em xin cám ơn .

khi nào thì thai nhi biết máy biết đạp 2

Trả lời của bác sĩ sản phụ khoa:

Khi mang thai đến tháng thứ 4, người mẹ sẽ cảm thấy thai máy cùng với sự tịnh tiến của thời gian, thai càng ngày càng máy rõ hơn. Khi thai từ tuần thứ 30 – tuần thứ 38 thì đạt đến đỉnh cao, một ngày một đêm có thể máy tới 130 lần. Số lần và cường độ thai máy thường đi theo một quy luật nhất định. Thai máy hơi ít vào sáng sớm, buổi tối thì thai máy nhiều hơn. Tiếng thai máy biểu thị tình trạng sức khỏe thai nhi khỏe mạnh, bình thường.

Khi nhau thai bị lão hóa, tác dụng bị giảm đi, làm thai nhi bị thiếu ô xy mạn tính thì thai bớt máy, tình trạng này có thể kéo dài mấy ngày cho đến một tuần, nếu không kịp thời cứu chữa thì thai sẽ chết trong tử cung. Vì vậy, việc thai máy ít đi là một loại tín hiệu của tình trạng thai thiếu ô xy. Nhưng cũng nên chú ý, khi nhau thai bị thiếu ô xy cấp, mới đầu thai phụ chỉ cảm thấy thai máy không yên, vì thế người mẹ phải tự đếm số lần thai máy, theo dõi tình hình thai nhi ở trong tử cung, cần nhất là sau khi thai đầy 7 tháng.

Phương pháp đếm số lần thai máy là: cứ vào sáng sớm, buổi trưa, buổi tối mỗi ngày, người mẹ mỗi buổi tự đếm số lần thai máy trong một tiếng đồng hồ, rồi cộng tổng số thai máy trong 12 tiếng đồng hồ nếu trong 12 tiếng thai máy trên 30 lần thì bình thường; nếu thai máy dưới 20 lần thì có nghĩa là thai bị ngạt trong tử cung, thai máy chưa đến 10 lần thì dự báo hậu quả không hay xảy ra.

Khi phát hiện thấy thai máy có vẻ khác thường, người mẹ phải đến bệnh viện khám ngay. Khi có thai đến tháng thứ 7, thứ tám nếu người mẹ cảm thấy bụng đau từng cơn, âm đạo chảy ra mấy giọt máu thì phải nghĩ ngay đây có thể bị sinh con non, phải lên giường nằm nghỉ ngay và cho gọi bác sĩ đến khám và điều trị.

Theo dõi thai máy, thai đạp để biết sức khỏe em bé

Sau 5 tháng, nếu chưa thấy thai cử động là dấu hiệu đáng ngại. Ngược lại, thai máy quá nhiều (hơn 20 lần trong một giờ), coi chừng em bé đang bị stress hoặc mẹ căng thẳng quá mức.

Thai được 8 tuần tuổi đã bắt đầu có cử động. Tuy nhiên, những cử động này nhẹ và khối lượng thai quá nhỏ nên các thai phụ chưa thể cảm nhận. Thông thường người mẹ bắt đầu cảm thấy cử động của thai khi bầu vào khoảng 3-4 tháng. Các bà mẹ sinh con rạ (con thứ) đã có kinh nghiệm nên nhận ra dấu hiệu của thai máy sớm hơn chị em lần đầu mang thai.

Những thai phụ có thành bụng dày sẽ khó cảm nhận thai máy hơn người có thành bụng mỏng. Lượng nước ối quá nhiều hay quá ít cũng làm thay đổi khả năng cảm nhận. Cảm nhận đầu tiên về thai máy thường nhẹ nhàng, giống như tôm búng, cá quẫy, có cái gì nhúc nhích trong bụng. Về sau thai càng lớn sẽ cảm nhận rõ hơn cử động đạp, quẫy của bé.

Cử động thai máy là dấu ấn đặc biệt, cho người mẹ cảm nhận rõ ràng mầm sống hiện hữu trong cơ thể. Cảm nhận thai máy không chỉ giúp thai phụ gia tăng cảm xúc tích cực, mà việc chia sẻ nên cảm xúc này với chồng càng làm tăng thêm sự gắn bó gia đình. Người ta thường ví von rằng “Cảm xúc khi nhận được cử động thai cũng giống như cảm nhận của cặp nghệ nhân cùng sáng tạo sản phẩm và nhận ra sản phẩm đó đã thành hình và phát triển tốt”.

Độ máy của thai nhi có 4 trạng thái:

– Một: Tĩnh lặng, không có cử động, tim thai ít dao động.

– Hai: Cử động thường xuyên, mạnh, kèm cử động nhanh của mắt và dao động nhiều của tim thai, tương ứng giai đoạn trẻ sơ sinh ngủ tích cực.

– Ba: Cử động mắt liên tục, không cử động thai và không gia tăng tim thai.

– Bốn: Cử động thai đơn độc kèm cử động liên tục của mắt và gia tăng tim thai.

Đa số thời gian thai ở trạng thái một và hai, trong đó hầu hết những gì người mẹ cảm nhận được là ở trạng thái hai. Theo dõi tim thai và cử động thai bằng máy chủ yếu quan sát được hai tình trạng đầu tiên. Hoạt động thai theo chu kỳ ngủ tĩnh – ngủ tích cực không ảnh hưởng bởi giấc ngủ người mẹ.

Trong những tháng đầu, theo dõi thai cử động trong ngày là dấu hiệu cho biết thai có hoạt động, tức còn sống, nhưng không thể kết luận thai nhi yếu hay khoẻ. Nếu cả ngày mà thai không máy hoặc thai máy ít hơn so với ngày trước thì cần chú ý, đây có thể là dấu hiệu thai đang bất thường.

Một số người mẹ phản ảnh thai máy nhiều khi nằm nghỉ hay vào buổi tối. Thật ra đây là lúc rảnh rỗi, người mẹ có nhiều thời gian theo dõi thai nên nhận ra cử động thai dễ dàng hơn các thời điểm khác.

Sau 5 tháng mà chưa thấy thai cử động là dấu hiệu đáng ngại. Ở những tháng cuối thai kỳ, thai phụ cần phân biệt để đừng nhầm lẫn thai máy với cơn gò tử cung. Gò tử cung làm toàn bộ bụng cứng chắc lên, tùy mức độ còn gây đau, trong khi thai máy chỉ cảm nhận ở một vùng bụng.

Theo dõi thai máy để đánh giá sức khoẻ thai chỉ nên thực hiện trong khoảng hai tháng cuối thai kỳ và trong một giờ đồng hồ. Trong lúc tỉnh thức, tối thiểu thai sẽ cử động từ 3 đến 4 lần một giờ. Thấp hơn mức này, có thể thai đang ngủ, hoặc đang có vấn đề sức khỏe. Ngược lại cử động quá nhiều (hơn 20 lần), coi chừng thai đang bị stress hay chính người mẹ đang căng thẳng. Lúc này cần bình tĩnh, nghỉ ngơi, sẽ thấy thai có cử động nhẹ nhàng lại. Nếu cử động vẫn tăng nhanh, dồn dập, nên đến bệnh viện kiểm tra.

Làm gì khi thai máy bất thường?

Khi tự theo dõi thai máy trong hai tháng cuối, nếu thấy ít hơn mức tối thiểu 3-4 cử động thai trong một giờ thì có thể theo dõi tiếp trong một giờ nữa hoặc đến bệnh viện kiểm tra.

Khi sản phụ đến bệnh viện, bác sĩ sẽ quan sát cử động thai và theo dõi cả biến động tim thai theo cử động thai. Xét nghiệm này gọi là NST (Non Stress Test), không có tác động gây kích thích thai.

Ngoài ra một số xét nghiệm khác để theo dõi sức khỏe thai nhi như: ST (Stress Test), quan sát tim thai theo sau kích thích thai, có thể kích thích bằng âm thanh hay lắc thai; xét nghiệm CST (Contraction Stress Test), theo dõi tim thai qua biến động cơn gò tử cung; xét nghiệm OCT gây cơn gò tử cung bằng cách truyền oxytocin; xét nghiệm BST gây cơn gò tử cung bằng cách se đầu vú, làm kích thích cơ thể tiết ra oxytocin nội sinh. Đây cũng là lý do bác sĩ thường khuyên các thai phụ không xoa đầu vú khi vệ sinh vào các tháng cuối thai kỳ hoặc tránh để ai đó tiếp xúc khu vực này, vì có thể gây ra cơn đau chuyển dạ, dễ sinh non…

Rate this post

Bình luận (0)

Leave a Reply

Chưa có bình luận nào. Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài.


Danh sách nhà thuốc