Trẻ sơ sinh bị sặc sữa: Cách xử trí và ngăn ngừa các mẹ nên biết
Sặc sữa (bị sặc khi bú mẹ hoặc bú sữa bình) là hiện tượng thường gặp ở trẻ sơ sinh. Khi trẻ sơ sinh bị sặc sữa, nếu mẹ không biết cách xử lý, sữa có thể lọt vào đường thở, khiến trẻ ngừng thở, co giật, tím tái người, trẻ không được sơ cứu kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng trẻ. Nếu bé nhà bạn hay gặp tình trạng này thì hãy tham khảo bài viết sau để tìm hiểu tại sao trẻ sơ sinh bú hay bị sặc? Cách sơ cứu khi trẻ bị sặc? Cách cho trẻ bú không bị sặc qua các thông tin dưới đây.
Mục lục
1. Tại sao trẻ sơ sinh bú sữa hay bị sặc?
Sặc sữa là hiện tượng thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (dưới 2 tuổi). Khi trẻ bị sặc, nếu cha mẹ không để ý hay không biết cách xử lý, sơ cứu cho trẻ, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ khi đường thở bị tắc nghẽn do sữa trào lên.
Cha mẹ có thể biết con bị sặc sữa qua các dấu hiệu:
– Trẻ sơ sinh đang bú mẹ hay bú sữa bình, đột ngột ho mạnh, ho sặc sụa, mặt mũi tím tái hoặc khóc thét lên, cũng đôi khi khóc nấc không thành tiếng.
– Sữa trẻ đang bú trào ra từ miệng, trào lên mũi trẻ.
– Cơ thể trẻ có thể có hiện tượng tím tái, co giật, nôn mửa ra sữa hoặc nước bọt, máu…
Trẻ sơ sinh hay bị sặc khi bú sữa là do các nguyên nhân sau:
- Do mẹ cho trẻ bú không đúng tư thế, ép trẻ bú khi trẻ đang khóc, ho, cười.
- Sữa mẹ quá nhiều, sữa trào ra với dòng lớn khiến trẻ không kịp nuốt.
- Nhiều trẻ sơ sinh có thói quen vừa bú vừa ngủ, miệng ngậm núm vú mà không bú, hay miệng ngậm nhưng không nuốt sữa kịp khiến sữa trào lên mũi, khí quản gây sặc.
- Trẻ đói nên bú sữa vội vã, rồi có thể ho hay cười bất chợt khiến trẻ bị sặc
- Với trẻ bú sữa bình, do lỗ thông ở núm vú bình sữa quá lớn, sữa chảy nhanh, mạnh làm trẻ nuốt không kịp.
- Trẻ 3 – 4 tháng tuổi đã bắt đầu biết hóng chuyện, chú ý đến mọi người xung quanh. Nếu lúc trẻ bú, mẹ vừa nói chuyện, vừa vui đùa với trẻ, có thể khiến trẻ dễ bị sặc sữa.
2. Cách xử lý khi trẻ sơ sinh bị sặc sữa
Khi trẻ sơ sinh bị sặc sữa khi bú, ngay lúc phát hiện thấy tình trạng của con, cha mẹ cần thực hiện các cách sơ cứu hướng dẫn sau đây để chữa cho con hết sặc:
- Dùng miệng thông đường thở:
Nhanh chóng dùng miệng hút mạnh để hút hết sữa trong mũi, miệng trẻ ra ngoài càng nhanh càng tốt. Hút miệng trước, mũi sau.
Nếu chậm trễ, sữa lọt vào khí quản gây tắc nghẽn đường hô hấp, khiến trẻ ngưng thở.
- Vỗ lưng, ấn ngực:
Một tay đỡ ngực trẻ, lòng bàn tay còn lại vỗ mạnh 5 cái vào lưng trẻ, vị trí chính giữa hai xương bả vai (vỗ với một lực vừa đủ, không vỗ quá mạnh lên cơ thể trẻ) nhằm tăng áp lực trong lồng ngực để giúp sữa được trào hết ra ngoài.
Nếu thấy trẻ vẫn khó thở, tím tái, cha mẹ hãy đặt trẻ nằm ngửa trên giường, bàn, sàn nhà,… dùng ngón trỏ và ngón giữa đột ngột ấn một lực vừa phải xuống nửa dưới của xương ức trẻ, lặp lại 5 – 10 lần cho đến khi trẻ có thể thở bình thường, hết sặc sữa.
Đối với trẻ có biểu hiện ngưng thở, có thể kết hợp đồng thời 2 biện pháp trên và thổi ngạt để trẻ thở lại được.
Sau khi sơ cứu xong, hãy vỗ vào mông hay đùi trẻ để kích thích trẻ tỉnh lại, để bé khóc và thở được, sau đó mới khẩn trương đưa trẻ đến bệnh viện, cơ sở y tế gần nhất để được điều trị, tuyệt đối không đưa trẻ đi khi trẻ chưa thở lại được, vì não thiếu ô-xi trong vài phút sẽ không thể hồi phục.
3. Cách cho trẻ sơ sinh bú sữa không bị sặc sữa
Trẻ sơ sinh bị sặc sữa khi bú là hiện tượng thường gặp, tuy nhiên mẹ có thể hạn chế hiện tượng này nếu thực hiện các lưu ý sau đây:
Với trẻ bú sữa mẹ:
- Tuyệt đối mẹ không cho con vừa bú vừa ngủ. Hãy để con ngủ đủ giấc, khi nào con thức dậy mới cho con bú sữa.
- Khi cho trẻ bú, mẹ không nên cười đùa với trẻ
- Tư thế khi cho trẻ bú, mẹ cũng rất cần lưu ý, không nên để cổ của trẻ ngửa hoặc gập cổ, mẹ bế con nằm với tư thế thoải mái, đầu ngẩng cao, ngiêng một chút.
- Cho trẻ bú từ từ, không nên bú vội vàng, nhất là với trẻ sơ sinh ít tháng.
- Khi cho trẻ bú, nếu thấy trẻ ho hoặc khóc, cười, mẹ nên ngừng cho trẻ bú ngay.
Với trẻ bú sữa bình:
- Mẹ hãy lựa chọn bình sữa với lỗ thông núm vú không quá lớn, đảm bảo lượng sữa trào ra nhẹ nhàng, đủ cho trẻ bú và nuốt vào không bị sặc.
- Khi cho trẻ bú bình, hãy cho trẻ ngồi hoặc nằm trong lòng người lớn, nghiêng bình sữa 45 độ để sữa chảy xuống đầy lỗ trong núm vú, trẻ không phải mút nhiều khiến không khí vào theo dễ gây sặc sữa.
- Nếu trẻ nằm, hãy chắc rằng lúc trẻ bú không ngủ gật, và bình sữa luôn được đặt nghiêng 45 độ để sữa chảy xuống đều.
Với những kiến thức trên, chắc hẳn các mẹ đã nắm được nhiều kiến thức về hiện tượng sặc sữa ở trẻ sơ sinh, nguyên nhân, cách xử lý cũng như cách phòng tránh trẻ sơ sinh bị sặc sữa, giúp các mẹ có thêm nhiều kinh nghiệm chăm sóc bé yêu.
Bình luận (0)
Chưa có bình luận nào. Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài.