Bí quyết giúp mẹ xử trí tình trạng đi ngoài phân sống ở trẻ
Đi ngoài phân sống là một trong những nguyên nhân khiến bé chậm tăng cân, suy dinh dưỡng, còi xương do cơ thể không hấp thu đủ các dưỡng chất cần thiết. Bài viết dưới đây sẽ mách mẹ một số cách xử trí tình trạng đi ngoài phân sống, giúp cho hệ tiêu hóa của trẻ luôn khỏe mạnh.
Mục lục
Dấu hiệu cho thấy trẻ đi ngoài phân sống
Đi ngoài phân sống là tình trạng trẻ ăn gì đi ngoài ra cái đó. Khi tiến hành xét nghiệm cặn dư phân vẫn còn nhiều các chất đạm, tinh bột và mỡ. Đây là một trong những triệu chứng của rối loạn tiêu hóa.
Các biểu hiện cụ thể của trẻ bị đi ngoài phân sống gồm:
- Phân lúc sền sệt, lúc rắn hoặc phân riêng, nước riêng.
- Trong phân có nhầy bọt, lợn cợn hạt hoặc cả các đồ ăn chưa tiêu hóa được. Khi quan sát bằng mắt thường mẹ có thể thấy cả rau củ và hạt ở trong phân.
- Phân có màu vàng ngả qua màu xanh dưa cải.
Nguyên nhân nào khiến trẻ bị đi ngoài phân sống?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới hiện tượng phân sống ở trẻ:
Chế độ ăn uống không khoa học
Với mong muốn con lớn nhanh nên các mẹ thường có thiên hướng cho con ăn thật nhiều chất béo, chất đạm, ít rau củ quả. Điều này cũng sẽ khiến bé bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, táo bón do không hấp thụ được hết thức ăn.
Thường xuyên sử dụng thuốc kháng sinh
Thuốc kháng sinh không chỉ tiêu diệt hại khuẩn gây bệnh mà còn làm chết cả các lợi khuẩn trong đường ruột. Từ đó làm giảm khả năng hấp thu các dưỡng chất của đường ruột.
Ăn dặm quá sớm
Ăn dặm quá sớm (trước 6 tháng tuổi) cũng là nguyên nhân khiến trẻ đi phân sống. Nguyên nhân là do hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện hẳn, không thể tiêu hóa hết được thức ăn dặm.
Môi trường sống độc hại
Đây chính là nguyên nhân khiến hệ miễn dịch của trẻ suy yếu, dẫn tới hệ tiêu hóa bị tổn thương và bị chứng đi ngoài phân sống.
Trẻ mắc một số bệnh lý
Nếu chức năng gan của trẻ kém hoặc bị tắc ống mật, trẻ dù có ăn nhiều nhưng không hấp thu được hết các chất dinh dưỡng, dẫn tới đi ngoài phân sống.
Phải làm sao khi trẻ đi ngoài phân sống?
Trẻ đi ngoài phân sống nếu không được chữa trị kịp thời sẽ mệt mỏi, chậm lớn, còi cọc, hấp thu kém, chán ăn… Do đó, khi thấy con bị đi phân sống, các mẹ nên:
– Đưa con tới bệnh viện để làm xét nghiệm xem có đúng bé bị đi ngoài phân sống hay không. Qua đó, bác sĩ có thể xác định chính xác nguyên nhân gây ra hiện tượng đi phân sống ở trẻ.
– Cho con uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Không tự ý mua và cho con uống thêm các loại thuốc mà bác sĩ đã kê đơn.
– Có chế độ ăn uống cho trẻ thật khoa học, hợp lý: giảm bớt các thực phẩm giàu chất béo, chất đạm. Không nên cho bé ăn các thực phẩm cứng và rắn, đồ hộp, bánh kẹo, nước uống có gas. Nên cho bé ăn các món ăn dễ tiêu hóa, được nấu mềm; bổ sung nhiều rau củ quả; ăn thêm sữa chua mỗi ngày…
Xem thêm: Trẻ đi ngoài phân sống nên ăn gì?
Khi nào trẻ đi ngoài phân sống mới đáng lo?
- Trẻ đi ngoài phân sống liên tục trong 3 tháng đầu sau sinh, tăng cân chậm.
- Trẻ đi ngoài mỗi ngày 4-5 lần, phân sống nhiều nước có thể trẻ đã bị tiêu chảy.
- Trẻ đi ngoài phân sống lỏng tới 10 lần/ngày là đã bị tiêu chảy cấp.
- Phân sống có kèm theo máu tươi, nhiều nước.
- Trẻ biếng ăn, chậm tăng cân, mệt mỏi.
- Trẻ bị nôn ói, nóng sốt.
Hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ còn rất non nớt và chưa hoàn thiện. Vì vậy, nếu không có chế độ ăn uống hợp lý sẽ ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa của bé. Khi hệ tiêu hóa bị rối loạn, nhiễm khuẩn sẽ khiến trẻ chậm lớn, suy dinh dưỡng. Vì vậy cha mẹ cần theo dõi trẻ thường xuyên để phát hiện và xử trí kịp thời. Chúc các bé luôn khỏe mạnh và phát triển toàn diện!