Probiotic là gì? Cơ chế tác dụng của Probiotic
Đây là những câu hỏi được rất nhiều người đặt ra và quan tâm tìm hiểu. Bài viết này sẽ giúp bạn giải đáp tất cả những thắc mắc trên.
Mục lục
Probiotic là gì?
Theo Trung tâm Quốc gia về Y học Bổ sung và Thay thế (Hoa Kỳ), probiotic là những vi sinh vật sống, tương tự như các lợi khuẩn sống trong ruột của con người. Do đó, việc bổ sung probiotic sẽ cung cấp các lợi khuẩn này cho cơ thể nhằm mục đích tăng cường sức đề kháng và cải thiện sức khỏe.
Lợi ích của probiotics đối với sức khỏe con người đã được khẳng định qua rất nhiều các nghiên cứu khoa học.
Nghiên cứu của trường Đại học Y Harvard (Mỹ) kết luận: Probiotic có hiệu quả nhất trong việc điều trị chứng tiêu chảy do bị nhiễm khuẩn. Ngoài ra Probiotic còn có tác dụng làm giảm các vấn đề sức khỏe khác như: Viêm ruột, táo bón, rối loạn tiêu hóa, hội chứng ruột kích thích, nhiễm khuẩn âm đạo, nhiễm trùng da, nhiễm khuẩn dạ dày, sâu răng và hô hấp ở trẻ em…
Phân loại Probiotic
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức nông lương thế giới (FAO) phân loại Probiotic gồm phần lớn các chủng vi khuẩn thuộc nhóm sinh acid lactic như Bifidobacteria và Lactobacillus. Bên cạnh đó, một số chủng thuộc nhóm Bacillus và nấm men cũng được dùng để sản xuất Probiotic.
Tuy nhiên, không phải tất cả các vi sinh vật sống nào cũng sẽ được gọi là Probiotic. Tiêu chuẩn quan trọng để chọn chủng vi khuẩn Probiotic là phải có khả năng sống sót trong hệ tiêu hóa và phát triển tốt trong ruột.
Những Probiotic tốt cho hệ tiêu hóa?
Hiện nay, các chủng vi khuẩn được sử dụng với vai trò là các probiotic chủ yếu gồm: Streptococcus thermophilus; Bifidobacterium animalis; Bifidobacterium bifidum; Enterococcus faecium và Lactobacillus acidophilus.
Lactobacillus acidophilus
Lactobacillus acidophilus thường có mặt ở ruột non, giúp giữ bằng hệ vi sinh đường ruột và là chất kháng sinh tự nhiên chống lại các vi sinh vật có hại. Tác dụng chính của Lactobacillus acidophillus là:
- Sinh ra một số chất kháng sinh mạnh trong ruột như acidophilin, lactocidin, , acidolin và bacteriocin để ngăn chặn khả năng phát triển của một số vi sinh vật gây bệnh như campylobacter, staphylococci và listeria.
- Sinh ra enzyme lactase có tác dụng phân giải đường sữa.
- Làm suy giảm sự phát triển của các u bướu và ngăn chặn các chất gây ung thư.
- Làm giảm lượng cholesterol trong máu.
Bifidobacterium bifidum
Bifidobacterium bifidum thường sống ở ruột già, có tác dụng:
- Bảo vệ cơ thể khỏi rotavirus gây tiêu chảy.
- Điều chỉnh, cân bằng lại hệ vi sinh vật đường ruột.
- Tăng miễn dịch cơ thể, sức khoẻ đường ruột, ngăn chặn ung thư.
- Chống các viêm loét, chống lại các vi sinh vật gây bệnh như samonella và hạn chế hoạt động của E.coli.
Streptococcus thermophilus
Streptococcus thermophilus là một probiotic hỗ trợ tiêu hoá, chống lại các gốc tự do[1] nguy hiểm, hỗ trợ điều trị tiêu chảy, chống lại các tế bào ung thư đường ruột,…
- Sinh ra enzyme lactase giúp tiêu hóa các lactose trong sữa dễ dàng hơn.
- Hoạt tính oxy mạnh giúp bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do nguy hiểm.
- Chống lại các tế bào gây ung thư đường ruột, điều trị tiêu chảy, viêm nhiễm đường ruột hay viêm nhiễm âm đạo.
Enterococcus faecium
Enterococcus faecium có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của vi sinh vật gây bệnh, chống lại chúng và còn giảm tính nhạy cảm của ruột với các loại kháng sinh:
- Lên men các carbohydrate sinh ra acid lactic giúp làm giảm pH đường ruột đồng thời ngăn chặn sự phát triển của vi sinh vật gây bệnh.
- Sinh ra bacteriocin, hydroperoxide và các chất kháng độc tố chống lại vi sinh vật gây bệnh, các vi khuẩn gây thoái hóa đường ruột
- Giảm tính nhạy cảm với các loại thuốc kháng sinh.
Bifidobacterium animalis
Probiotic này có tác dụng đối với hội chứng viêm ruột và bệnh Crohn, cũng có hiệu quả đối với chứng táo bón và đầy hơi:
- Giảm các triệu chứng liên quan đến hội chứng viêm ruột và bệnh Crohn (viêm ruột từng vùng).
- Giảm triệu chứng táo bón, đầy hơi.
Vai trò của Probiotic
Như vậy, các bạn đã biết probiotic là gì rồi phải không? Trong phần tiếp theo, chúng ta hãy cùng tìm hiểu sâu về vai trò probiotic:
Tác động kháng khuẩn
Probiotic tiết ra các chất kháng khuẩn để làm giảm số lượng vi khuẩn có hại, từ đó ngăn chặn các mầm bệnh.
Tác động trên mô biểu bì ruột
Probiotic đẩy mạnh liên kết của tế bào biểu mô. Giảm việc kích thích bài tiết và các hậu quả do bị viêm của sự lây nhiễm vi khuẩn. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động tạo ra các phân tử phòng vệ như chất nhầy.
Tác động miễn dịch
Probiotic được xem như là một phương tiện phân phát các phân tử kháng viêm cho hệ thống đường ruột. Cụ thể:
– Đẩy mạnh sự báo hiệu cho tế bào chủ để làm giảm đáp ứng viêm.
– Tạo đáp ứng miễn dịch để làm giảm dị ứng.
– Cải thiện hệ vi sinh vật đường ruột, ngăn ngừa táo bón và tiêu chảy.
Tác động đến vi khuẩn đường ruột
Probiotic có vai trò điều chỉnh thành phần cấu tạo của hệ vi khuẩn đường ruột. Khi được bổ sung vào cơ thể và ở trong khoang ruột, Probiotic sẽ tạo nên sự cân bằng của hệ vi sinh đường ruột.
Bên cạnh đó, probiotic còn điều hòa hoạt động trao đổi chất của hệ sinh vật đường ruột: làm giảm pH của bộ phận tiêu hóa; tăng sự dung nạp đường lactose, giúp loại bỏ tình trạng khó tiêu, đầy hơi, làm tăng lợi khuẩn và giảm hại khuẩn.
Một số vai trò khác đối với cơ thể
– Chống dị ứng: Vi khuẩn probiotic có khả năng chống lại một số phản ứng dị ứng của cơ thể. Đồng thời cung cấp các dưỡng chất quan trọng như folic acid, riboflavin, niacin, vitamin B6 và B12 cho cơ thể luôn khỏe mạnh.
– Chống ung thư: Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, probiotic có thể làm giảm nguy cơ ung thư bàng quang và ung thư ruột kết. Bên cạnh đó, probiotic còn có công dụng khử chất độc gây ung thư và làm chậm sự phát triển của các khối u bướu.
– Probiotic còn có khả năng làm giảm huyết áp cao, giảm nồng độ cholesterol trong huyết thanh; hồi phục sức khỏe nhanh chóng sau khi sử dụng nhiều kháng sinh và bị tiêu chảy.
Cơ chế tác dụng của Probiotic
Để hiểu được về lý do tại sao probiotics lại có tác dụng đối với sức khỏe, bên cạnh việc tìm hiểu probiotic là gì, chúng ta cần phải hiểu về sinh lý, vi sinh vật đường dạ dày, ruột và quá trình tiêu hóa.
Quá trình tiêu hóa bắt đầu khi thức ăn đi vào miệng và tới dạ dày. Còn vi sinh vật đường dạ dày- ruột có thể là có hại, có lợi và trung tính. Vi sinh vật ở trong ruột non và ruột già sẽ hoàn thành nốt quá trình tiêu hóa.
Một số vi sinh vật có khả năng sản xuất vitamin và chúng chính là các vi khuẩn có ích (probiotic). Khi hệ vi sinh đường ruột khỏe mạnh sẽ có tác dụng: ngăn chặn sự xâm nhập và phát triển của các vi sinh vật gây bệnh; tăng sức đề kháng với các bệnh truyền nhiễm của đường tiêu hóa.
Bên cạnh đó, nhờ sự tổng hợp và tiết ra các peptit có tính kháng khuẩn, probiotic còn công dụng bảo vệ chất nhầy đường ruột. Từ đó, ngăn chặn hiệu quả sự bám dính của các hại khuẩn gây bệnh ở lớp biểu bì ruột.
Đường dạ dày- ruột có bề mặt lớn phủ chất nhày, có vai trò là cầu nối giữa “ngoại cơ thể” và “nội cơ thể”. Nhưng vi sinh vật bình thường cư trú ở đường dạ dày- ruột có vai trò cản lọc của đường dạ dày- ruột, làm giảm sự di chuyển đến bề mặt đường dạ dày- ruột và sự đi qua của vi khuẩn, kháng nguyên từ ruột vào máu. Vai trò này có công dụng làm giảm dị ứng và giảm nhiễm trùng với kháng nguyên trong thực phẩm.
Vì sao cần phải bổ sung Probiotic?
Con người hiện đại đang phải đối mặt với các yếu tố phá hủy sự cân bằng vi sinh vật đường ruột, làm chết các vi khuẩn có lợi, nguy cơ tăng các vi khuẩn có hại, trong đó đặc biệt là chế độ ăn không cân đối.
Sử dụng thực phẩm ô nhiễm (hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón hóa học trong canh tác còn dư lượng trong sản phẩm tiêu dùng); thực phẩm chế biến sẵn thay cho thực phẩm tự nhiên; nước uống khử trùng bằng hóa chất; uống nhiều rượu bia.
Tình trạng stress, làm việc quá mức và quá trình lão hóa cũng ảnh hưởng đến sự xuống cấp của hệ vi khuẩn đường ruột. Việc dùng kháng sinh trực tiếp hay gián tiếp, hóa trị liệu, xạ trị liệu, liệu pháp thụt tháo, tẩy rửa đường tiêu hóa… đều đều có thể tác động đến hệ vi khuẩn đường ruột.
Vi khuẩn Probiotic là một loại lợi khuẩn rất cần thiết cho hệ tiêu hóa bởi nó có nhiệm vụ điều hòa hoạt động trao đổi chất của sinh vật đường ruột. Probiotic có thể làm giảm pH, nguyên nhân gây cản trở cho hoạt động tiết ra enzyme của sinh vật đường ruột trong hệ tiêu hóa. Đồng thời, tăng sự dung nạp đường lactose, giúp tránh khỏi tình trạng đầy hơi, khó tiêu khi hấp thu những loại thức ăn có chứa nhiều lactose, làm tăng vi khuẩn có lợi và giảm vi khuẩn gây hại.
Theo khuyến nghị của các bác sĩ, đối với trường hợp phòng chống đi ngoài táo bón, tiêu chảy, bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp thì nên sử dụng men vi sinh Probiotic (dưới dạng như cốm, viên, thực phẩm có bổ sung Probiotics) và trong các trường hợp cần thiết phải sử dụng liều cao theo kê đơn hoặc tư vấn của bác sĩ.
Đối với cuộc sống hằng ngày, có thể sử dụng và coi các thực phẩm có bổ sung Probiotics là một trong những thực phẩm ăn uống để làm đa dạng hóa bữa ăn hằng ngày, đồng thời bổ sung 1 lượng vi khuẩn có ích cho đường tiêu hóa.
Cách uống probiotic? Nên uống probiotic lúc nào?
Cách uống Probiotic như sau:
- Nên uống Probiotic trước khi đi ngủ hoặc vào buổi sáng sớm. Vì đây là khoảng thời gian hệ tiêu hóa ít hoạt động, độ PH trong dạ dày ở mức tương đối thấp. Do đó, các vi khuẩn sẽ có cơ hội gắn kết với thành ruột và phát triển tốt hơn.
- Nên uống sau bữa ăn khoảng 30 phút.
- Để đạt hiệu quả tốt nhất, nên uống Probiotic ít nhất 2 tiếng đồng hồ sau mỗi cữ kháng sinh.
- Không nên pha Probiotic vào nước, cháo hay sữa còn nóng.
- Không pha vào buổi sáng rồi buổi chiều mới uống sẽ không có tác dụng.
Bổ sung probiotic thế nào đúng?
Bổ sung Probiotic đúng cách và đủ liều lượng sẽ giúp trẻ có hệ tiêu hóa khỏe mạnh và sức khỏe tốt. Probiotic dành cho trẻ có nhiều trong các loại men vi sinh có trên thị trường hiện nay.
Tuy nhiên, loại men vi sinh tốt nhất cho trẻ là vừa phải chứa hệ vi khuẩn có lợi (Probiotic) và hệ chất xơ hòa tan (Prebiotics). Prebiotics là thành nguồn thức ăn của Probiotic, giúp các Probiotic phát triển nhanh chóng và phát huy tối đa tác dụng.
Như vậy, các bạn đã biết probiotic là gì? Cơ chế tác dụng của Probiotic ra sao. Ngoài việc bổ sung probiotic từ các chế phẩm men vi sinh, bạn cũng có thể bổ sung probiotic thông qua chế độ dinh dưỡng hợp lý và khoa học. Chúc các bạn có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh và sức khỏe tốt!