Dị ứng đạm sữa ở trẻ: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Thông thường khi trẻ có các triệu chứng như nôn trớ, táo bón, tiêu chảy, chậm tăng cân, tăng trường không đạt chuẩn, quấy khóc… bố mẹ chỉ nghĩ rằng, có thể do con hấp thụ kém, đường ruột không ổn định, thiếu máu, thiếu canxi, ăn uống thiếu chất. Rất ít bố mẹ nghĩ đến bệnh lý dị ứng đạm sữa ở trẻ – khoảng 15% trẻ em ở Việt Nam mắc phải.
Mục lục
Dị ứng đạm sữa là gì?
Dị ứng đạm sữa là là tình trạng dị ứng thực phẩm rất phổ biến trong 3 năm đầu đời của trẻ, do hệ miễn dịch của trẻ quá nhạy cảm với thành phần đạm có trong sữa bò.
Đáng nói, dị ứng đạm sữa có xu hướng di truyền, do đó, nếu bố mẹ bị dị ứng bụi, phấn hoa, thực phẩm hoặc bị chàm thì trẻ có sẽ có nguy cơ rất cao bị dị ứng đạm sữa.
Nghiên cứu của Hội Nhi Khoa tại Việt Nam cho thấy, có khoảng 2% trẻ bị dị ứng với đạm sữa bò và khoảng 13% trẻ có các biểu hiện nghi ngờ dị ứng đạm sữa bò. Tuy nhiên, điều đáng mừng là tình trạng dị ứng này sẽ chấm dứt khi trẻ được 3 -5 tuổi.
Dấu hiệu và triệu chứng trẻ bị dị ứng đạm sữa
Các triệu chứng dị ứng đạm sữa thường xuất hiện sau khi trẻ uống sữa được khoảng 2 tiếng hoặc 48 tiếng, thậm chí có thể muộn hơn. Các dấu hiệu trẻ bị dị ứng đạm sữa cũng rất đa dạng gồm:
- Thứ nhất, biểu hiện dị ứng đạm sữa đầu tiên ở ngoài da là nổi ban, mẩn ngứa, có thể sưng đỏ ở quanh miệng hoặc trên mi mắt.
- Thứ 2 là biểu hiện ở đường tiêu hóa như đau bụng, đi ngoài phân có máu, nôn trớ.
- Thứ 3, biểu hiện dị ứng đạm sữa ở trẻ xảy ra ở đường hô hấp như khò khè, chảy mũi.
- Thứ 4 là biểu hiện trẻ bị dị ứng đạm sữa phản ứng toàn thân, nặng nhất là sốc phản vệ và ảnh hưởng đến tính mạng.
Tại sao trẻ bị dị ứng đạm sữa?
Lý giải nguyên nhân của hiện tượng trẻ dị ứng đạm sữa, các bác sĩ dinh dưỡng cho hay, nguyên nhân chính của tình trạng dị ứng đạm trong sữa là do hệ thống miễn dịch của trẻ phản ứng quá mức với hàm lượng protein có trong sữa. Khi trẻ uống sữa, hệ thống miễn dịch của cơ thể trẻ nhầm lẫn các protein là các kháng thể lạ gây hại cho cơ thể nên sẽ hoạt động để chống lại chúng.
Có 2 loại protein chính trong đạm sữa có thể gây ra phản ứng dị ứng gồm: Casein (được tìm thấy trong phần rắn (sữa đông) của sữa đông vón lại); Whey (được tìm thầy trong phần lỏng còn lại của sữa sau khi sữa đông vón lại).
Cách điều trị dị ứng khi trẻ bị dị ứng đạm trong sữa
Việc đầu tiên bố mẹ cần làm khi thấy trẻ có dấu hiệu dị ứng đạm sữa là đưa ngay tới các cơ sở y tế, bệnh viện để được bác sĩ kiểm tra và điều trị kịp thời.
Thực tế hiện nay chưa có phương pháp điều trị dứt điểm dị ứng đạm sữa ở trẻ. Cách tốt nhất và hiệu quả nhất là bố mẹ nên tránh các tác nhân gây dị ứng cho trẻ. Cũng có thể trong một số trường hợp trẻ bị phản ứng phản vệ cấp tính, bác sĩ buộc phải kê đơn thuốc. Vậy bố mẹ nên tránh các tác nhân gây dị ứng cho bé như thế nào?
– Đầu tiên, bố mẹ cần ngưng không cho trẻ uống sữa bò và các chế phẩm từ sữa bỏ như váng sữa, sữa chua, kem tươi, bánh, kẹo chocolate, bơ động vật và tất cả các sản phẩm có chứa nguyên liệu là sữa bò.
– Nếu trẻ bị dị ứng đạm sữa mẹ, mẹ tuyệt đối không nên dùng sữa bò cũng như các chế phẩm làm từ sữa bò mà chúng tôi đã liệt kê ở trên. Nguyên nhân là do protein trong sữa bò có thể đi vào sữa mẹ.
– Nếu trẻ bị dị ứng sữa bò ở thể nhẹ, mẹ có thể cho trẻ uống sữa đậu nành. Tuy nhiên, mẹ cần theo dõi thật kỹ xem có xảy ra phản ứng dị ứng không. Nếu có, mẹ cần nhờ bác sĩ tư vấn chuyển sang sử dụng các sản phẩm sữa khác.
– Nên sử dụng sản phẩm thay thế sữa bò ít nhất khoảng 6 tháng, có thể kéo dài 2-3 năm. Song song đó, mỗi năm mẹ nên đưa trẻ đi kiểm tra 2 lần để xem trẻ đã dung nạp được sữa bò hay chưa.
Chế độ dinh dưỡng và thực đơn cho trẻ dị ứng đạm sữa
Nhắc đến việc ngưng cho trẻ uống sữa bò, rất nhiều sẽ hoang mang lo lắng vì nếu không uống sữa bò thì con sẽ uống gì đây? Liệu uống loại sữa khác có tốt không? Có đảm bảo con tăng cân, tăng chiều cao đúng tiêu chuẩn?
Sữa bò có chứa rất nhiều dưỡng chất quan trọng và cần thiết đối với sức khỏe cũng như sự phát triển của trẻ. Do vậy, chế độ dinh dưỡng cho trẻ dị ứng đạm sữa cần phải được bố mẹ lưu ý cẩn thận với sự tư vấn và giám sát của bác sĩ.
+ Nếu trẻ bú sữa mẹ: Dù không phổ biến nhưng trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn vẫn có nguy cơ bị dị ứng đạm sữa bò. Đạm trong sữa bò mà mẹ uống và tiêu hóa sẽ được truyền qua sữa mẹ gây dị ứng đạm sữa ở trẻ. Theo đó, giải pháp tốt nhất trong trường hợp này là loại bỏ sữa và các sản phẩm từ sữa trong chế độ ăn uống hàng ngày của mẹ. Tốt nhất mẹ nên trao đổi và nhờ bác sĩ tư vấn về chế độ ăn uống để đảm bảo dinh dưỡng cung cấp cho bé.
+ Nếu trẻ uống sữa công thức: Việc thay thế sữa công thức bằng một sản phẩm dinh dưỡng đặc biệt, có khả năng cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ là vấn đề rất quan trọng.
Trong trường hợp này, mẹ cũng nên nhờ bác sĩ tư vấn nên sử dụng loại sữa nào thay thế để vừa đảm bảo bé không bị dị ứng vừa cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho sự phát triển của trẻ.
Hy vọng, với những thông tin chúng tôi chia sẻ ở trên về hiện tượng dị ứng đạm sữa ở trẻ, các bố mẹ đã có thêm nhiều kinh nghiệm để chăm sóc bé yêu tốt nhất.