Trẻ 3 tuổi bị táo bón nên làm gì?
Táo bón là tình trạng thường gặp nhất ở trẻ từ 2-4 tuổi, trong giai đoạn tập ngồi bô. Vậy trẻ 3 tuổi bị táo bón do đâu? Các dấu hiệu nhận biết thế nào và cách điều trị ra sao? Hãy cùng tìm hiểu vấn đề này ngay nhé!
Mục lục
Biểu hiện táo bón ở trẻ
Các dấu hiệu và biểu hiện bé 3 tuổi bị táo bón gồm:
- Đi tiêu ít hơn bình thường, dưới 3 lần/tuần.
- Đau và căng thẳng mỗi khi đi tiêu.
- Phân khô và cứng, thường tạo thành các cục nhỏ.
- Đau bụng, chướng bụng.
- Đau ở hậu môn.
- Không có cảm giác buồn đi tiêu.
- Sợ đi tiêu, nhiều bé còn sợ ngồi vào bồn cầu.
- Có cảm giác đi tiêu chưa hết phân.
- Phân có thể lẫn máu do bị nứt hậu môn.
- Mùi phân khó chịu.
- Són phân lỏng.
- Đái rắt, nhiễm trùng tiết niệu.
- Chán ăn.
Nguyên nhân trẻ 3 tuổi bị táo bón kéo dài
Các nguyên nhân chính khiến trẻ 3 tuổi bị táo bón kéo dài gồm:
– Do chế độ ăn uống không khoa học: Thiếu nước; chế độ ăn quá nhiều chất béo, dầu mỡ, đạm, chất cay nóng; thiếu chất xơ, rau xanh…
– Dấu hiệu của bệnh lý: Trẻ 3 tuổi khó đi ngoài còn là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý như trĩ, sa trực tràng, các bệnh lý liên quan ống tiêu hóa và trực tràng.
– Không có thói quen đi vệ sinh: Bé ham chơi bỏ qua nhu cầu đi vệ sinh, dẫn tới phân ứ đọng dẫn tới táo bón.
– Trẻ ít vận động khiến các cơ quan tiêu hóa hoạt động kém.
– Bé 3 tuổi có tâm lý sợ nơi ở mới, sợ người lạ nên không dám xin đi đại tiện. Tình trạng này kéo dài dẫn đến đùn phân, phân cứng và thô hơn.
– Do các khiếm khuyết bẩm sinh như hẹp hậu môn, sa trực tràng…
– Sử dụng thuốc: Việc trẻ sử dụng một số loại thuốc như thuốc chống co giật, thuốc ho, thuốc kháng histamin chống dị ứng… cũng là nguyên nhân gây táo bón.
Cách trị táo bón cho trẻ 3 tuổi
Bên cạnh việc sử dụng thuốc trị táo bón cho trẻ 3 tuổi theo chỉ định của bác sĩ, các mẹ có thể tham khảo một số cách trị táo bón cho trẻ 3 tuổi hiệu quả và an toàn tại nhà dưới đây:
Cho trẻ uống nhiều nước
Khi cơ thể bé thiếu nước, ruột già sẽ tăng cường hấp thu nước trong phân. Hậu quả là phân sẽ bị khô cứng gây khó khăn trong quá trình đại tiện. Thông thường, các bé 3 tuổi sẽ cần cung cấp khoảng 1 lít nước cần thiết mỗi ngày (bao gồm cả nước và sữa).
Tăng cường vận động
Trẻ bị táo bón thường bị thiếu năng lượng nên kém linh hoạt và lười vận động hơn. Mẹ hãy khuyến khích bé tăng cường vận động bằng các bài tập đơn giản như đạp xe hay đơn giản là vui chơi, chạy nhảy ngoài trời để giúp ích cho hoạt động của ruột.
Massage vùng bụng
Việc thực hiện các thao tác massage vùng bụng nhẹ nhàng sẽ giúp bé dễ chịu và cải thiện tình trạng táo bón hữu hiệu. Có rất nhiều bài massage bụng cho bé như: massage theo chiều kim đồng hồ, massage kiểu đi xe đạp hay massage “I Love U”…
Tắm với nước ấm
Đây là một trong các cách trị trẻ 3 tuổi bị táo bón đơn giản mà hiệu quả. Các mẹ chỉ cần ngâm mông của bé trong nước ấm hoặc tắm cho bé với nước ấm để kích thích cơ vòng hậu môn và nhu động ruột của bé. Điều này sẽ giúp bé dễ đi ngoài hơn.
Bé 3 tuổi bị táo bón nên ăn gì – tránh gì?
Bé 3 tuổi bị táo bón nên ăn gì?
Các thực phẩm nên bổ sung cho bé 3 tuổi khi bị táo bón gồm:
- Rau xanh: Rau đay, mồng tơi, rau cải, rau ngót, súp lơ… là nguồn thực phẩm có hàm lượng chất xơ dồi dào vừa giúp cải thiện tình trạng táo bón vừa giúp bé có hệ tiêu hóa khỏe mạnh.
- Hoa quả: Các loại hoa quả như đu đủ, chuối, bơ, cam, bưởi có hàm lượng các vitamin, khoáng chất và chất xơ cao cũng rất tốt cho bé 3 tuổi đang bị táo bón.
- Ngũ cốc hạt: Ngoài việc cung cấp tinh bột và dinh dưỡng, các loại hạt như gạo lứt, đậu đen, đậu lăng… còn có công dụng hỗ trợ ổn định tiêu hóa của bé.
- Hải sản: Tôm, cá, hàu, cua chứa hàm lượng kẽm và magie lớn nên có khả năng hỗ trợ hoạt động của ống tiêu hóa.
- Sữa chua: Sữa chua chính là nguồn thực phẩm cung cấp lợi khuẩn dồi dào. Trẻ ăn sữa chua hàng ngày sẽ giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, cho tiêu hóa khỏe mạnh, bé sẽ ăn ngon và hạn chế táo bón.
Bé 3 tuổi bị táo bón tránh ăn gì?
Các thực phẩm nên tránh cho trẻ 3 tuổi bị táo bón ăn đó là:
- Sữa bột nhiều năng lượng: Một số loại sữa bột chứa quá nhiều năng lượng và dinh dưỡng sẽ khiến hệ tiêu hóa của bé không tiêu hóa được hết, gây dư thừa dẫn tới rối loạn tiêu hóa.
- Đồ ăn nhanh và đồ ăn đóng hộp: Nhóm thực phẩm này không chỉ kém dinh dưỡng, khó tiêu mà còn chứa rất nhiều chất bảo quản không tốt cho hệ tiêu hóa và sức khỏe của trẻ.
- Đồ ăn cay nóng và nhiều dầu mỡ: Các loại thức ăn này gây khó tiêu, dễ gây rối loạn hệ tiêu hóa non nớt của trẻ.
Táo bón không quá nguy hiểm nhưng nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Do đó, trong trường hợp đã áp dụng các phương pháp trên nhưng tình trạng táo bón vẫn không thuyên giảm, bố mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ để được điều trị kịp thời.
Bình luận (0)
Chưa có bình luận nào. Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài.