Trẻ đi ngoài phân sống: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ đi ngoài phân sống là do thức ăn chưa được tiêu hóa, khiến trẻ ăn thứ gì đi ngoài ra thứ đó. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của trẻ như dẫn đến còi xương, biếng ăn, suy dinh dưỡng, sút cân.
Bài viết này sẽ giúp các mẹ hiểu rõ hơn về tình trạng đi ngoài phân sống ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, từ đó có cách xử trí kịp thời và phòng ngừa hiệu quả.
Mục lục
I. Trẻ đi ngoài phân sống là bị bệnh gì?
Trẻ đi phân sống – bạn có thể hiểu là tình trạng thức ăn chưa được tiêu hóa hết đã phải thải ra bên ngoài cơ thể, nôm na là trẻ ăn cái gì đi ra cái đó.
Đây là một trong những dấu hiệu điển hình của chứng rối loạn tiêu hóa. Khi bị đi ngoài phân sống lâu ngày và kéo dài mãi không khỏi, trẻ sẽ mệt mỏi, quấy khóc nhiều và biếng ăn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.
Trẻ bị đi ngoài phân sống là một trong những dấu hiệu điển hình của chứng rối loạn tiêu hóa
II. Dấu hiệu và triệu chứng bé đi ngoài phân sống
Tuỳ mỗi cơ thể mà biểu hiện bé đi phân sống là khác nhau, tuy nhiên, triệu chứng chung có thể tóm gọn trong các ý sau:
– Phân có lúc sền sệt, lúc rắn, hoặc nước riêng và phân riêng.
– Trong phân có các hạt lợn cợn, kèm theo chất nhầy hoặc các thực phẩm chưa tiêu hóa được hết, bằng mắt thường mẹ có thể nhìn thấy cả rau củ và hạt…
– Phân có màu vàng ngả qua màu xanh, tương tự như màu dưa cải.
Nên cho trẻ đi viện khi nào?
Thông thường, tình trạng trẻ đi ngoài phân sống, lỏng rất nhanh khỏi. Tuy nhiên, bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi nhận thấy một trong các biểu hiện sau:
– Trẻ đi ngoài phân sống liên tục trong 3 tháng đầu sau sinh, tăng cân chậm.
– Trẻ đi ngoài mỗi ngày 4-5 lần, phân sống nhiều nước, có thể trẻ đã bị tiêu chảy.
Trong phân có các hạt lợn cợn, kèm theo chất nhầy hoặc các thực phẩm chưa tiêu hóa được hết
– Trẻ đi ngoài phân sống lỏng tới 10 lần/ngày là đã bị tiêu chảy cấp.
– Phân sống có kèm theo máu tươi, nhiều nước.
– Trẻ biếng ăn, chậm tăng cân, mệt mỏi.
– Trẻ bị nôn ói, nóng sốt.
III. Nguyên nhân khiến bé đi ngoài phân sống
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này, phổ biến nhất là do mẹ cho bé ăn quá nhiều, ăn dặm từ quá sớm, ăn thừa chất đạm-béo hay do trẻ dùng kháng sinh,…cũng khiến trẻ đi ngoài sống phân. Cụ thể:
1.Trẻ ăn quá nhiều
Đây là sai lầm phổ biến mà rất nhiều bà mẹ Việt mắc phải. Việc ăn quá nhiều khiến trẻ ăn mãi mà không lớn, thậm chí còn có nguy cơ gây loạn khuẩn đường ruột, rối loạn tiêu hóa, dẫn tới ăn không tiêu, thức ăn không được tiêu thụ và đi ngoài ra phân sống.
2. Ăn dặm quá sớm
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, thời điểm thích hợp nhất để mẹ tập cho bé ăn dặm là từ 6 tháng tuổi trở lên.
→ Tham khảo: Thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi của Viện Dinh Dưỡng.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều mẹ muốn con tăng cân nhanh, phát triển nhanh nên đã cho trẻ ăn dặm từ rất sớm, từ 4-5 tháng tuổi.
Trong khi đó, hệ tiêu hóa của trẻ trước 6 tháng tuổi còn rất non nớt, chưa hoàn thiện, dễ bị tổn thương và chưa có khả năng tiêu hóa được các thực phẩm ngoài sữa mẹ hoặc sữa công thức.
Đây cũng là nguyên nhân khiến trẻ đi ngoài 3-4 lần/ngày và phân sống, lợn cợn, có mùi chua, tanh.
3. Bé ăn quá nhiều đạm, đường và chất béo
Mặc dù đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nhưng việc cho trẻ ăn quá nhiều chất béo, đạm và đường sẽ khiến hệ tiêu hóa quá tải, không thể tiêu hóa hết thức ăn.
4. Trẻ uống kháng sinh
Việc uống kháng sinh quá nhiều sẽ khiến hệ vi sinh đường ruột mất cân bằng, ảnh hưởng đến khả năng tiêu hoá, hấp thu thức ăn của trẻ. Hậu quả là trẻ ăn nhiều nhưng không tăng cân, vẫn còi và thường xuyên đi ngoài phân sống.
→ Xem ngay cách xử lý khi trẻ uống kháng sinh bị đi ngoài
5. Trẻ mắc một vài bệnh lý
Nếu chức năng gan của trẻ kém hoặc bị tắc ống mật, trẻ dù có ăn nhiều nhưng không hấp thu được hết các chất dinh dưỡng, dẫn tới đi ngoài phân sống.
Ăn quá nhiều là một trong những nguyên nhân khiến trẻ đi ngoài phân sống
IV. Bé bị đi ngoài phân sống có nguy hiểm không?
Đây là mối lo ngại của hầu hết các mẹ khi thấy con đi ngoài sống phân. Một số mẹ vì quá lo lắng đã tự ý cho con uống thuốc cầm tiêu chảy khi thấy con đi ngoài nhiều lần trong ngày.
Điều này vô cùng nguy hiểm, bởi việc tự cho trẻ uống thuốc cầm tiêu chảy sẽ khiến thức ăn dư thừa ở trong đường ruột không được “tống” ra ngoài, gây nguy cơ tắc ruột rất cao.
Nếu trẻ đi ngoài phân sống có cái nhưng phân rắn, lợn cợn, phân sệt, có nước và đi khoảng 1 – 3 lần mỗi ngày thì không đáng lo. Việc bố mẹ cần làm lúc này là để cho hệ tiêu hóa của trẻ tự đào thải độc tố, các chất dư thừa trong cơ thể và tự hồi phục.
Nếu trẻ đi phân sống có cái nhưng phân rắn, lợn cợn, phân sệt, có nước và đi khoảng 1 – 3 lần mỗi ngày thì không đáng lo
!Đặc biệt các mẹ cần lưu ý:
– Đối với các bé sơ sinh từ 0-3 tháng tuổi bú sữa mẹ hoàn toàn: Nếu trẻ đi ngoài phân sống trong 3 tháng đầu, nếu con vẫn tăng cân đạt chuẩn, các mẹ không nhất thiết phải làm gì cả. Sau khoảng 3 tháng, số lần đi ngoài phân sống của bé sẽ tự giảm và bé sẽ đi phân như bình thường.
– Đối với những trẻ sơ sinh từ 0-3 tháng tuổi bú sữa công thức hoàn toàn: Nếu bị đi phân sống là dấu hiệu cho thấy trẻ chưa thích nghi với sữa công thức. Mẹ cũng không nên vội cho trẻ uống thuốc điều trị. Nếu bé đi ngoài từ 1-3 lần/ngày, cân nặng vẫn tăng tốt, không nôn trớ thì mẹ cũng không cần phải làm gì cả.
V. Cách chữa cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Vậy mẹ nên làm gì và phải làm gì để khắc phục tình trạng đi ngoài phân sống? Song song với việc cho trẻ uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ để khắc phục tình trạng bé đi ngoài phân sống, các mẹ cần xây dựng một chế độ ăn uống khoa học để hệ tiêu hóa của bé luôn khỏe mạnh và phát triển toàn diện.
Do vậy, mẹ cần lưu ý những vấn đề sau:
– Cho trẻ ăn các thực phẩm dễ tiêu hóa và giàu dinh dưỡng như cháo xay với thịt nạc, các loại rau củ. Mẹ nên cho bé ăn trong 1-2 tuần để khắc phục tình trạng đi ngoài phân sống.
– Giảm bớt các thực phẩm nhiều dầu mỡ, tạm thời ngừng cho bé ăn các thực phẩm tanh như hải sản cho đến khi hiện tượng đi ngoài phân sống được khắc phục hoàn toàn.
– Không nên cho bé ăn các thực phẩm cứng, rắn sẽ gây khó tiêu.
– Các loại đồ hộp, bánh kẹo, nước ngọt có gas cũng cần loại bỏ ngay khỏi thực đơn hàng ngày của bé.
Nên cho trẻ ăn các thực phẩm dễ tiêu hóa và giàu dinh dưỡng như cháo xay với thịt nạc, các loại rau củ
– Cho bé ăn sữa chua mỗi ngày và nên ăn sau bữa ăn chính khoảng 1 tiếng. Sữa chua giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt và tăng cường lợi khuẩn trong đường ruột.
– Khi nấu bột ăn dặm cho trẻ, các mẹ cần lưu ý về thời gian nấu. Sau khi nước sôi, cần đun nhỏ lửa thêm khoảng 10 phút cho tới khi bột nở bén mới tắt bếp.
Nhiều mẹ nấu bột rất nhanh, chỉ đun sôi tầm vài phút là đã cho bé ăn – đây cũng là một trong nguyên nhân khiến trẻ đi ngoài phân sống.
VI. Bé đi ngoài phân sống nên ăn gì?
Bên cạnh việc uống thuốc chữa đi ngoài phân sống theo chỉ định của bác sĩ, các mẹ có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về một số bài thuốc dân gian chữa đi ngoài phân sống cho bé dưới đây:
– Chuối và cà rốt: Chuối chứa nhiều vitamin B6, kali và hàm lượng prebiotic dồi dào giúp tăng cường lợi khuẩn trong đường ruột, thúc đẩy hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Trong khi đó, chất xơ trong cà rốt có khả năng hỗ trợ hoạt động đường ruột của bé diễn ra suôn sẻ.
Cách thực hiện như sau: Cà rốt để nguyên vỏ, rửa sạch rồi cho vào nồi hấp chín. Cho cà rốt vào máy sinh tố xay nhuyễn cùng với chuối, thêm vào một vài hạt muối. Cho bé ăn vào giữa các bữa ăn chính, nên cho bé ăn liên tục trong 3 ngày.
Hồng xiêm xanh chứa nhiều tannin nên rất tốt cho hệ tiêu hóa
– Hồng xiêm xanh: Bài thuốc dân gian từ hồng xiêm xanh có tác dụng điều trị đi ngoài phân sống ở trẻ rất tốt. Hồng xiêm xanh chứa nhiều tannin nên rất tốt cho hệ tiêu hóa.
Cách thực hiện: Chuẩn bị 20g, rửa sạch sau đó cắt thành những múi cau. Cho vào nồi cùng 200ml nước đun sôi khoảng 5-10 phút. Sau đó chắt lấy nước cho bé uống 2 lần/ngày.
VII. Nên cho trẻ ăn gì và kiêng gì khi bị đi ngoài phân sống?
Nên cho bé ăn:
– Các thực phẩm dễ tiêu, mềm, dễ nuốt và giàu dinh dưỡng như cháo thịt, rau củ.
– Nhiều mẹ thắc mắc có nên ăn sữa chua khi trẻ bị đi ngoài phân sống không. Câu trả lời là, hãy cho trẻ ăn sữa chua mỗi ngày, nhất là sữa chua có chứa probiotic để bổ sung các lợi khuẩn cho đường ruột.
– Nếu trẻ vẫn đang bú mẹ, hãy tăng cường cho bé bú nhiều hơn.
– Nấu chín kỹ thức ăn của trẻ để tránh lây nhiễm vi khuẩn từ đồ ăn chưa chín.
– Cho trẻ uống nhiều nước lọc, nước hoa quả để bổ sung lại lượng nước bị hao hụt khi đi ngoài liên tục.
Không nên cho bé ăn:
– Các thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ.
– Các thực phẩm tanh như cua, cá, tôm, hải sản.
– Các thực phẩm cứng, rắn, khó tiêu.
– Các loại bánh kẹo, nước ngọt có gas.
Bình luận (0)
Chưa có bình luận nào. Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài.