Trẻ sơ sinh bị ọc sữa nhiều sau khi bú là bình thường hay bất thường?
Nôn trớ, ọc sữa ở trẻ sơ sinh được phân thành 2 loại: sinh lý và bệnh lý. Khoảng 95% trẻ bị nôn trớ, ọc sữa là sinh lý, tức là hoàn toàn bình thường, không có gì phải lo lắng. Tuy nhiên, có 1 phần nhỏ trẻ bị ọc sữa bệnh lý, mà thường do các bệnh: lồng ruột, tắc ruột, nhiễm khuẩn tiêu chảy.
Mục lục
Xử lý khi trẻ bị ọc sữa
Khi trẻ được khoảng 1 đến 2 tháng tuổi, hệ thống tiêu hóa của trẻ còn yếu, các van trong dạ dày hoạt động chưa đồng bộ. Khi bú trẻ có thể nuốt hơi theo vào dạ dày gây no, sau đó nếu mẹ lại đặt nằm ở tư thế nghiêng thì trẻ dễ bị ọc sữa.
Đây là hiện tượng ọc sữa sinh lý, mẹ có thể giúp bé tránh được bằng cách chia nhỏ thời gian cho bú, giúp trẻ tiêu hóa dễ dàng hơn. Nếu trẻ bú bình, mẹ nên giữ bình sữa nghiêng 45 độ, núm vú cao su luôn đầy sữa để trẻ không bú hơi tránh làm căng dạ dày, hạn chế việc trẻ ọc sữa.
Tuy nhiên, nếu trẻ bị ọc sữa nhiều lần trong khi mẹ đã cố gắng khắc phục tình trạng ọc sữa sinh lý, thì nên xét tới nguyên nhân khác mà theo bác sĩ nhi khoa khuyến cáo.
Nếu ọc sữa và kèm theo một số biểu hiện khác thường có thể gặp trong những bệnh lý như: các dị tật ở đường tiêu hóa như hẹp thực quản, hẹp tá tràng là khi trẻ có biểu hiện ọc sữa liên tục mặc dù không bú cũng ọc, hoặc ói ra rồi bú, bú xong lại ói ra.
Một số bệnh đường tiêu hóa tắc ruột, lồng ruột hay gặp ở những trẻ sau 3 tháng tuổi, trẻ đột nhiên ói, đang bú bình thường bỗng nhiên khóc thét lên, ưỡn bụng, bụng có thể nổi phồng lên … cần phải xử trí cấp cứu càng sớm càng tốt. Trong trường hợp này, mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được xử lý kịp thời.
Một điều đáng lưu ý là trẻ không chỉ ọc sữa mà còn bị giật mình kèm co giật trong lúc ngủ, vặn mình thì người mẹ cần xem lại chế độ ăn uống của mình vì đó là dấu hiệu cho thấy cơ thể trẻ đang thiếu canxi. Theo thống kê từ các bệnh viện nhi tại TP.HCM, mỗi năm hàng trăm trẻ thiếu canxi có biểu hiện tương tự.
Nguyên nhân và cách xử trí nôn trớ ở trẻ
Nôn trớ liên quan đến ăn uống. Hay gặp ở trẻ nhỏ do ép trẻ ăn quá nhiều, bú quá no, bú chai, ngậm vú giả, pha sữa không đúng cách, không dung nạp sữa bò hoặc bắt đầu ăn bổ sung với thức ăn mới lạ… Nôn thường xuất hiện sớm, số lượng chất nôn ít, chủ yếu là thức ăn. Trẻ vẫn chơi bình thường, không ảnh hưởng đến tình trạng cơ thể. Do vậy, chỉ cần điều chỉnh cách cho ăn.
– Không ép trẻ ăn nhiều làm cho trẻ sợ hãi khi nhìn thấy thức ăn.
– Chia thức ăn làm nhiều bữa nhỏ trong ngày để bảo đảm đủ số lượng thức ăn cần thiết.
– Ở những trẻ bú mẹ thì sau khi bú xong nên bế trẻ 10-15 phút rồi mới đặt trẻ nằm.
– Pha sữa đúng công thức và nên cho ăn bằng thìa hoặc uống bằng cốc.
– Khi cho trẻ bú bình với đầu vú cao su thì cần nghiêng bình sao cho sữa ngập cổ bình để tránh nuốt không khí vào dạ dày.
– Một số trẻ tạm thời cơ thể không dung nạp sữa bò tươi thì thay thế bằng sữa đậu nành hoặc sữa bò dưới dạng sữa chua.
Ọc sữa, nôn do co thắt môn vị: Thường gặp ở trẻ dưới 6 tháng tuổi, thể trạng thần kinh dễ bị kích thích hay quấy khóc hờn dỗi, kém ngủ. Nôn xuất hiện sớm trong những ngày đầu sau đẻ dù trẻ ăn sữa mẹ hay sữa bò, chất nôn là nước sữa hoặc sữa đông vón tùy theo thời gian sữa lưu lại dạ dày.
Trẻ vẫn háu ăn, ít bị sụt cân, cơ thể vẫn phát triển bình thường. Bệnh sẽ giảm dần khi trẻ bắt đầu ăn chế độ đặc, vì ăn chất lỏng không khí dễ vào dạ dày gây đầy hơi trẻ dễ bị nôn trớ. Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ cần lưu ý:
– Cho trẻ ăn thức ăn đặc hơn bằng cách pha thêm nước cháo vào sữa.
– Cho trẻ bú nhiều lần hơn bình thường. Sau mỗi lần bú bế trẻ đầu cao một lúc sau đó đặt trẻ nằm nghiêng bên trái 10 phút rồi chuyển sang bên phải, cuối cùng đặt trẻ nằm ngửa.
– Ngoài ra có thể sử dụng thuốc chống nôn motilium, primperan.
Ọc sữa, nôn do bệnh tật: Hay gặp trong các bệnh nhiễm khuẩn tiêu chảy, viêm mũi họng, viêm phổi, viêm màng não… một số bệnh ngoại khoa như lồng ruột, tắc ruột, viêm ruột non hoại tử…
Trẻ ọc sữa, nôn đột ngột và kèm theo các triệu chứng đặc hiệu của từng bệnh. Cần đưa trẻ đến khám ở cơ sở y tế để xử trí kịp thời.
Ọc sữa, nôn do dị tật bẩm sinh đường tiêu hóa
Hẹp phì đại môn vị: Là do phì đại lớp cơ môn vị gây hẹp tắc môn vị. Bệnh hay gặp ở trẻ trai. Sau khi sinh, trẻ vẫn bú mẹ và đại tiện bình thường, khoảng 3-4 tuần sau thì xuất hiện nôn, nôn liên tục sau khi ăn, nôn nhiều lần, nôn vọt thành tia, số lượng nhiều.
Chất nôn là sữa hoặc sữa đông vón đọng lâu trong dạ dày. Nôn kéo dài làm cho trẻ sụt cân nhanh, trẻ vẫn háu ăn, ỉa phân ít, đái ít. Thăm khám bụng thấy sóng nhu động ở hạ sườn trái lan từ trái sang phải hoặc sờ thấy u cơ môn vị di động nằm ở dưới bờ trước của gan.
Luồng trào ngược dạ dày thực quản là hiện tượng thức ăn trong dạ dày trào lên thực quản. Nôn trớ thường xuất hiện sớm ngay sau đẻ, nôn trớ sau bữa ăn, khi trẻ nằm hoặc khi trẻ khóc. Số lượng chất nôn ít, chất nôn thường là sữa mới ăn vào, đôi khi có màu nâu. Nôn làm cho trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng.
Để giảm bớt ọc sữa, nôn trớ và phòng thiếu dinh dưỡng thì cần lưu ý cách cho trẻ ăn.
– Chia thức ăn làm nhiều bữa nhỏ trong ngày, tăng số lần cho bú.
– Sau khi ăn nên bế vác trẻ 10-15 phút.
– Chế độ ăn đặc dần lên.
– Sử dụng thuốc chống nôn.
Nếu chẩn đoán nôn do các dị tật bẩm sinh thường phải xử trí ngoại khoa.
Hỏi đáp bác sĩ về việc trẻ sơ sinh bú mẹ hay bị ọc sữa
Hỏi: Xin chào Bác Sĩ. Bác Sĩ cho tôi hỏi, cháu nhà tôi mới sinh được 3 tháng, nhưng từ lúc sinh tới giờ bé hay bị trớ sữa. Tôi đã làm nhiều cách nhưng bé vẫn luôn bị trớ sữa sau mỗi lần bé bú mẹ. Hiện giờ tôi rất lo lắng cho cháu, hiện giờ cháu đã được 3 tháng, liệu việc hay trớ sữa thế có ảnh hưởng gì tới cháu không? Mong Bác Sĩ sớm cho tôi câu trả lời (Mẹ bé Thùy An).
Trả lời của bác sĩ chuyên khoa nhi:
Nôn trớ là biểu hiện thường gặp ở trẻ nhỏ, nhưng nếu bé bị nôn trớ liên tục như vậy thì bạn nên đưa bé tới gặp Bác Sĩ. Bé của bạn cần được Bác Sĩ thăm khám trực tiếp để biết được chính xác tình trạng sức khỏe của bé.
Ngoài ra, bạn cũng có thể khắc phụ tình trạng nôn trớ của bé theo những hướng dẫn sau:
Bạn nên cho bú bên trái trước (vì bé mới bú nên lượng sữa trong dạ dày còn ít, có thể nằm nghiêng bên phải). Sau đó, chuyển bé sang bên phải (lúc này dạ dày bé đã nhiều sữa, cần nằm nghiêng trái). Như vậy, sữa sẽ dễ dàng xuống dạ dày mà không gây trào ngược ra ngoài.
Bạn cũng không nên cho bé bú quá lâu, trung bình 10 phút cho vú thứ nhất và 20 phút cho vú thứ hai, bú trên 30 phút không có lợi cho bé (nuốt hơi, mệt, rối loạn thèm bú/nghiền vú, chênh lệch thời gian bú).
Nếu bé của bạn có bú bình thì luôn giữ bình sữa hơi nghiêng để đầu núm vú cao su đầy sữa. Không để bình sữa nằm ngang trong khi bú, tránh tình trạng bé bú hơi trong bình sữa như thế bé có thể bị trớ ngược ra ngoài sau khi bú xong để đẩy không khí ra.
Khi cho bé bú, bạn không nên để bé quấy khóc vì như vậy, bé có thể nuốt nhiều hơi, gây căng dạ dày.
Sau khi bú, cần bế bé theo tư thế thẳng, ngực áp vào một bên ngực mẹ, mặt kê lên vai mẹ rồi vỗ nhẹ lưng cho ợ hơi. Sau đó, hãy nhẹ nhàng đặt bé nằm nghiêng bên trái, kê gối hơi cao.
Ngoài ra, bạn cũng không nên để bé nằm bú vì tư thế này khiến bé rất dễ bị sặc và trớ sữa. Sau khi bé bú, không nên đặt bé nằm ngay, cũng không đùa nghịch.
Bình luận (0)
Chưa có bình luận nào. Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài.