Chứng rối loạn tiêu hóa ở trẻ em – Nguyên nhân và cách xử lý
Những biểu hiện thường gặp của chứng rối loạn tiêu hóa ở trẻ em là táo bón hoặc tiêu chảy, đầy chướng bụng, khó tiêu, phân sống, trẻ lười ăn, kém hấp thu… Nếu tình trạng này kéo dài trẻ sẽ bị suy dinh dưỡng, khi đó càng dễ bị rối loạn tiêu hoá hơn. Vậy đâu là nguyên nhân và cách xử lý tình trạng này?
Mục lục
Nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa ở trẻ em
+ Sức đề kháng yếu
Khi mới chào đời hệ miễn dịch của bé còn non yếu nhưng phải tiếp xúc với môi trường khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập gây bệnh chứ không như trong bụng mẹ được che chắn, bao bọc cẩn thận. Vì vậy, bé rất dễ bị vi khuẩn xâm nhập gây bệnh về đường hô hấp và tiêu hóa và đặc biệt là bệnh rối loạn tiêu hóa khiến cho trẻ biếng ăn, chậm lớn, chậm tăng cân. Do vậy, mẹ cần cho bé bú sớm nhất có thể để bé có thể hấp thu được lượng sữa non để dồi dào sức đề kháng cho con.
+ Rối loạn tiêu hóa ở trẻ em do dùng kháng sinh
Kháng sinh không chỉ tiêu diệt vi khuẩn có hại mà còn diệt luôn vi khuẩn có lợi gây nên những triệu chứng rối loạn tiêu hóa tiêu biểu như phân sống, tiêu chảy, táo bón, rất nguy hiểm. Nếu hiện tượng này kéo dài sẽ gây bệnh viêm đại tràng mãn tính, rối loạn tiêu hóa, dẫn đến suy dinh dưỡng, giảm miễn dịch ở trẻ.
+ Chế độ dinh dưỡng bất hợp lý
Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe và tăng cường sức đề kháng, phòng ngừa bệnh tật, tạo nền tảng cho sự phát triển của bé. Nếu mẹ cho trẻ ăn dặm quá sớm hoặc cho bé ăn những loại thức ăn không phù hợp với lức tuổi sẽ dễ khiến trẻ bị rối loạn tiêu hóa.
Nếu cơ địa trẻ hay thành ruột quá yếu thì bệnh càng trở nên trầm trọng hơn, nhất là những trường hợp ngộ độc thức ăn nghiêm trọng làm cho trẻ tiêu chảy ồ ạt, nôn – ói nhiều, đau quặn bụng…
Hoặc khi trẻ thường xuyên phải ăn một chế độ ăn uống không hợp lý, giàu đạm, đường, chất béo… ít chất xơ, vitamin, chất khoáng… cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh về đường tiêu hoá cho trẻ.
+ Trạng thái tâm lý tiêu cực
Khi trẻ có tâm lý tiêu cực: bị áp lực, stress, lo lắng,… cũng là nguyên nhân gây nên chứng rối loạn tiêu hóa ở trẻ em. Bởi vì lúc này việc tiêu hóa của trẻ không được thuận lợi, việc bài tiết men tiêu hóa và các enzyme cần thiết để phân hủy và hấp thụ thức ăn bị giảm sút khá đáng kể.
+ Do môi trường sống không đảm bảo vệ sinh
Môi trường sống mất vệ sinh sẽ ẩn chứa rất nhiều vi khuẩn và chúng sẽ xâm nhập vào cơ thể gây các bệnh về đường hô hấp và tiêu hóa của trẻ nếu như không được ngăn ngừa kịp thời.
Vai trò của hệ vi sinh với tiêu hóa của trẻ
Hệ vi sinh đóng một vai trò rất quan trọng ở đường tiêu hóa, đặc biệt là ở đại tràng. Ở đại tràng có khoảng 400 – 500 loại vi khuẩn có ích khác nhau, ngoài việc tham gia vào khâu cuối cùng của quá trình tiêu hóa còn đảm nhiệm chức năng bảo vệ đại tràng.
Các vi khuẩn này có nhiệm vụ biến đổi chất xơ thực phẩm, thức ăn chưa tiêu hóa hết ở ruột non thành acid lactic, acetic, butyric, hàng loạt vitamin, axit amin, men, hocmon và các chất dinh duỡng quan trọng khác. Đồng thời sinh ra các khí như NH3, CO2, H2S… Quá trình biến đổi đó gọi chung là quá trình lên men, mà nhờ nó, thức ăn được tiêu hóa hoàn toàn. Trong môi truờng hoạt động của đại tràng, các vi khuẩn có ích có khả năng lấn áp, đè bẹp và tiêu diệt rất nhiều loại vi khuẩn gây bệnh.
Cách xử lý rối loạn tiêu hóa cho trẻ
Dưới đây là một số điều cần thực hiện ngay khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa do bất kỳ nguyên nhân nào:
-Bổ sung đủ nước và điện giải khi bị tiêu chảy.
-Chế biến thức ăn dạng mềm, dễ tiêu hóa, đảm bảo ăn chín, uống sôi.
-Chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày thay vì ăn một bữa lớn
-Bổ sung thực phẩm có lợi như sữa chua, các thực phẩm có nhiều chất xơ như các loại rau xanh, hoa quả.
-Tẩy giun theo định kỳ
– Cần chú ý bổ sung men vi sinh giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, cải thiện tình trạng rối loạn tiêu hóa đặc biệt là ở những trường hợp do dùng kháng sinh.
Rối loạn tiêu hóa ở trẻ em là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ biếng ăn, chậm lớn, suy dinh dưỡng. Vì vậy, khi phát hiện bé bị rối loạn tiêu hóa bạn cần tìm hiểu nguyên nhân và điều trị kịp thời để bé phát triển tốt.
Bình luận (0)
Chưa có bình luận nào. Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài.