Những điều cần biết về tình trạng táo bón ở trẻ

Táo bón ở trẻ là hiện tượng xảy ra phổ biến có thể gặp ở tất cả các bé, không chỉ gây khó chịu, tác động tới các chức năng tiêu hóa mà còn ảnh hưởng tới sự phát triển, chất lượng cuộc sống lâu dài của trẻ và sự phiền phức, mệt mỏi của cha mẹ trong quá trình chăm sóc con.

Thời điểm nào bé dễ bị táo bón?

Táo bón xảy ra phổ biến ở trẻ em là do chức năng bộ máy tiêu hóa của trẻ ở giai đoạn này chưa hoàn thiện, đây được gọi là táo bón chức năng. Cụ thể, có 3 thời điểm trong quá trình phát triển của trẻ thường hay xảy ra táo bón:

-Thời điểm trẻ bắt đầu ăn dặm

Nguyên nhân của tình trạng táo bón ở trẻ giai đoạn này là do bắt đầu tập ăn dặm hệ tiêu hóa còn non yếu, chưa kịp thích nghi với thức ăn mới, thực đơn bữa ăn của trẻ lại quá ít chất xơ so với nhu cầu và bé không được uống đủ nước, chưa kể trường hợp bé dùng sữa công thức được pha không đúng tỷ lệ (sữa nhiều, nước ít). Ngoài ra ăn dặm quá sớm, quá nhiều cũng gây rối loạn tiêu hóa.

táo bón ở trẻ

Tình trạng táo bón ở trẻ thường xảy ra ở thời điểm ăn dặm

-Suốt thời gian tập ngồi bô/bồn cầu

Những trẻ bị chứng táo bón trong giai đoạn tập ngồi bô/ bồn cầu có nhiều lý do nhưng phần nhiều là do chế độ ăn không đủ chất xơ, không uống đủ nước và cũng do tâm lý của trẻ bắt đầu làm quen với tư thế đại tiện mới.

-Giai đoạn sau khi trẻ bắt đầu đi học

Do vấn đề về tâm lý như bé trì hoãn đại tiện nếu nơi đó khiến bé không cảm thấy thoải mái hay không quen cách đi vệ sinh ở những chỗ lạ hoặc nơi công cộng như ở trường. Bé có thể bị đau khi đi đại tiện do rách hậu môn khiến bé quyết định nín luôn để tránh bị đau hơn.

Một số trường hợp trẻ cố “nhịn” dẫn đến mất thói quen đi vệ sinh, khiến đại tràng giãn to. Nín nhịn đi tiêu khiến phân tích tụ lâu trong cơ thể, lớn và khô cứng, khiến bé phải gắng sức hơn trong những lần sau, có khi gây rách hậu môn, chảy máu.

Táo bón ở trẻ không chỉ gây đau bụng từng cơn nhất là khi đi ngoài mà còn khiến trẻ có thể bị nôn trớ, hay quấy khóc, biếng ăn, nếu kéo dài có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, thậm chí có thể kìm hãm sự phát triển của trẻ.

Ngoài những thời điểm trên, trẻ mắc phải các dị tật bẩm sinh như phình to đại tràng, hẹp ruột, hẹp hậu môn, nứt kẽ hậu môn nên cũng làm cho trẻ rất dễ bị táo bón.

Ngăn chặn táo bón ở trẻ bằng cách nào?

Hiện tượng táo bón là khi bé đi ngoài với tần suất dưới 3 lần mỗi tuần hoặc đại tiện khó khăn và gây ra sự khó chịu, căng thẳng khi đi tiêu (phân cứng, rặn đau, ngồi lâu, tiêu khó khăn, đôi khi chảy máu hậu môn,…).

táo bón

Bé đại tiện khó khăn

Hầu như bé nào cũng có ít nhất 1 lần bị táo bón nhưng chỉ thoáng qua rồi hết. Những bé bị táo bón kéo dài vài tuần được gọi là táo bón mạn tính.

Việc điều trị táo bón, nhất là táo bón mạn tính (táo bón tái phát) không chỉ đơn thuần là điều chỉnh chế độ dinh dưỡng cho trẻ mà nó đòi hỏi phối hợp toàn diện nhiều mặt, từ việc trấn an tâm lý cho trẻ đến việc chọn thức ăn phù hợp, tập đi tiêu mỗi ngày, chế độ vận động thể dục thể thao và tránh một số thuốc có thể làm tình trạng táo bón nặng hơn.

Về nguyên tắc điều trị và biện pháp phòng ngừa chứng táo bón, nếu trẻ còn ở độ tuổi bú mẹ thì việc cho bú nhiều sẽ giúp bé không bị táo bón.

Với trẻ bú sữa công thức nên pha sữa đúng cách và đúng tỷ lệ theo sự khuyến cáo của nhà sản xuất.

Còn khi trẻ lớn đã ăn dặm nên cho trẻ ăn dặm đúng cách theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, đặc biệt là bổ sung đủ lượng chất xơ cho trẻ (bao gồm cả chất xơ hòa tan và chất xơ không hòa tan).

Cần khuyến khích trẻ vận động thường xuyên phù hợp với lứa tuổi, trẻ nhỏ phụ huynh nên xoa bóp (còn gọi là massage) vùng bụng cho trẻ giúp tăng nhu động ruột sẽ làm trẻ dễ tiêu hóa.

Bên cạnh đó, bổ sung lợi khuẩn đường ruột cho trẻ theo từng đợt là lời khuyên của các chuyên gia. Việc làm này không chỉ phòng và hỗ trợ điều trị một số chứng rối loạn tiêu hóa như táo bón ở trẻ, tiêu chảy, đầy bụng,… mà còn giúp cho hệ tiêu hóa của trẻ luôn khỏe mạnh, trẻ ăn ngon hơn, hấp thu tốt hơn.

Rate this post

Bình luận (0)

Leave a Reply

Chưa có bình luận nào. Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài.


Danh sách nhà thuốc