Những nguy hại khôn lường khi trẻ hay bị táo bón
Táo bón tuy là triệu chứng phổ biến và xảy ra ở mọi trẻ, mọi độ tuổi nhưng nếu trẻ hay bị táo bón kéo dài có thể gây ra những hậu quả khó lường mà điển hình là trẻ biếng ăn, chậm tăng cân và thậm chí suy dinh dưỡng.
Mục lục
Khi nào mới gọi là táo bón?
Khi trẻ đi tiêu ít hơn 3 lần trong một tuần có thể xem là táo bón, phân của trẻ thường cứng, thành viên hoặc đóng khối có khi rất to. Tuy nhiên, cần lưu ý số lần đi ngoài, phân của trẻ thường thay đổi theo lứa tuổi và theo chế độ ăn.
Trung bình trẻ bú mẹ nhỏ hơn 3 tháng, đại tiện 3 lần/ngày nhưng có thể hơn 10 lần/ngày hoặc ngược lại hơn một tuần mới đại tiện một lần nhưng vẫn không gọi là táo bón nếu phân trẻ vẫn mềm và trẻ vẫn bú tốt, ngủ tốt.
Với trẻ bú bình, số lần đại tiện mỗi ngày trung bình từ lúc sinh đến 3 tháng là 2 lần, từ tháng thứ sáu trở đi là 1,8 lần, từ một tuổi giảm còn 1,4 lần và khi trẻ được 3 tuổi thì chỉ còn 1 lần.
Trẻ hay bị táo bón thường phải vặn mình, đỏ mặt, 2 chân co lên bụng một hồi lâu mới đi ngoài được, phân mềm, không có máu. Đây là giai đoạn “tập tành” đại tiện của trẻ, hoàn toàn bình thường, trẻ sẽ đại tiện dễ dàng hơn khi lớn lên.
Trẻ dễ bị táo bón vào lúc nào?
Táo bón đặc biệt thường xảy ra vào 3 thời điểm: sau khi ăn bột ngũ cốc và trái cây nghiền, trong suốt thời gian tập ngồi bô/bàn cầu, sau khi bắt đầu đi học. Biết được những thời điểm nguy cơ này, phụ huynh sẽ dễ dàng hơn trong việc giúp bé phòng ngừa táo bón ở trẻ:
+ Giai đoạn tập ăn dặm: Bé đang từ bú mẹ hoặc bú bình chuyển sang ăn đặc có thể bị táo bón do ăn không đủ chất xơ và uống không đủ nước.
+ Tập ngồi bô hay bồn cầu: Trẻ hay bị táo bón trong giai đoạn này vì nhiều nguyên nhân:
– Chế độ ăn vẫn còn phụ thuộc nhiều vào sữa nên dể bị thiếu chất xơ.
– Nếu bé không thích hoặc không sẵn sàng để ngồi vào chỗ vệ sinh mới sẽ cố gắng nín nhịn, điều này có thể dẫn đến táo bón.
-Bé đã bị đi phân cứng hoặc đau khi đại tiện còn hay nhịn hơn để khỏi phải ngồi bô/ bồn cầu vì sợ đau.
+ Giai đoạn đi học: Một số bé miễn cưỡng phải dùng nhà vệ sinh tại trường vì chúng không quen có thể dẫn đến việc nhịn đi tiêu. Giai đoạn này tâm lý của trẻ ảnh hưởng đến thói quen đại tiện.
Những nguy hại khi trẻ hay bị táo bón
Táo bón có thể gây tác hại trước mắt như khiên bé đau do nứt hậu môn, nặng hơn thì gây chảy máu khi đại tiện. Bé nhịn đại tiện làm phân tích tụ lâu trong cơ thể, càng lớn và khô cứng hơn, khiến bé phải gắng sức hơn trong những lần sau lại dễ làm rách hậu môn gây đau và chảy máu.
Cứ thế, tác hại của vòng luẩn quẩn này ngày càng càng lớn lên khiến cho khối phân đóng cứng trong trực tràng lớn dần lên, bé không thể giữ được nữa nên bị són phân ra quần (ị đùn). Điều này khiến bé cảm thấy xấu hổ và sợ hãi nên sẽ thu mình lại, không tham gia các hoạt động trường lớp như các bạn cùng lứa. Ngoài ra phân ứ đọng lâu ngày còn khiến trẻ biếng ăn, chậm tăng cân, thậm chí suy dinh dưỡng,…
Phòng tránh táo bón bằng cách nào?
+ Điều quan trọng để phòng tránh tình trạng trẻ hay bị táo bón là phải cố gắng tạo ra một thói quen đại tiện đều đặn cho trẻ vào một giờ nhất định, tốt nhất là khoảng nửa giờ sau khi ăn sáng, khi thức ăn kích thích ruột và bao tử.
Ban đầu, tạo ra thói quen này ở cả người lớn và trẻ nhỏ thường hơi khó khăn nhưng lập lại đều đặn sau một thời gian sẽ thành lệ. Ngoài ra, nhà vệ sinh nên được giữ gìn sạch sẽ, riêng tư để tạo sự thoải mái cho trẻ.
+ Ngưng lạm dụng thuốc nhuận tràng: Nếu trẻ đang dùng các thuốc trị bệnh, cha mẹ nên tham khảo ý kiến bác sỹ, nhờ bác sĩ kiểm soát lại tác dụng phụ của các thuốc ấy, xem có thuốc nào gây táo bón hay không. Nếu có, cần thay thế thuốc hoặc giảm liều lượng, tùy theo sự quyết định của bác sĩ. Không lạm dụng thuốc nhuận tràng thay vào đó hãy sử dụng các biện pháp tự nhiên, an toàn bằng chế độ ăn, rau củ quả,..
+ Không nên cho trẻ sử dụng các thực phẩm ăn nhanh, đồ uống có ga, nước ngọt đóng chai, hạn chế đồ ăn vặt,…
+ Bổ sung thêm lượng chất xơ trong thức ăn hàng ngày của trẻ bằng rau xanh, hoa quả.
+ Tăng cường vậy động: Vận động cơ thể đều đặn, thích hợp với điều kiện thể lực là việc làm rất tốt đối với mọi người, cần khuyến khích trẻ các trò chơi lành mạnh, hoạt động vận động hay các bài tập thể dục phù hợp.
Bình luận (0)
Chưa có bình luận nào. Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài.