Trẻ bị rối loạn tiêu hóa kéo dài – Nguyên nhân và Chế độ ăn uống cho trẻ
Trẻ em dễ bị rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón kéo dài. Vậy nguyên nhân vì sao trẻ lại bị rối loạn tiêu hóa kéo dài và chế độ ăn uống dành cho trẻ bị rối loạn tiêu hóa như thế nào?
Ai đã từng nuôi con hẳn đã trải qua nhiều lần làm một việc mà bạn đã từng cảm thấy “ghê” đó ngắm ngía, và hít ngửi phân con, nhất là khi đang có rối loạn tiêu hóa.
Khi phân con có nhầy, bọt, chua hay có lẫn máu, mẹ lại đau đầu, đau lòng, đau xót không yên và tìm mọi cách chữa rối loạn tiêu hóa cho con. Nhưng bạn đã hiểu đúng về rối loạn tiêu hóa ở trẻ chưa? Phải làm gì để bảo vệ đường ruột cho trẻ?
Nhiều bà mẹ “kêu cứu” con bị rối loạn tiêu hóa do bú sữa mẹ, nghi ngờ do mẹ ăn “linh tinh” nên làm “rối loạn” luôn cả sữa mẹ! Trên thực tế, tất cả những gì người mẹ ăn khi qua “bộ máy xử lý tinh vi” của người mẹ sẽ được lọc thành các chất gồm các đạm, mỡ, lactose, vitamin, sắt, muối khoáng, nước và các enzym. Bé bú là uống những chất này nên khó có thể gây rối loạn tiêu hóa cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn.
Chỉ trừ trường hợp trẻ có cơ địa dị ứng sữa bò, nếu mẹ uống sữa bò, sữa qua đường tiêu hóa vẫn còn nguyên, do đó sẽ khiến trẻ bị rối loạn tiêu hóa.
Ngay như cụm từ “rối loạn tiêu hóa” cũng là một từ chung chung biểu hiện tiêu hóa không bình thường ở trẻ. Ví dụ, trẻ ói mà không rõ nguyên nhân từ đâu thì kết luận chung là trẻ đang có rối loạn tiêu hóa (rối loạn đường ruột), nhưng nếu trẻ ói mà kèm theo đỏ họng thì có thể kết luận trẻ bị viêm họng…
Ở trẻ thường có 4 biểu hiện rối loạn tiêu hóa chính: ói, tiêu chảy, đầy hơi ăn không tiêu và táo bón. Trong trường hợp, trẻ có biểu hiện của tình trạng rối loạn tiêu hóa trên trong 1 – 2 ngày, nhưng trẻ vẫn ăn, chơi, ngủ bình thường, không có triệu chứng của bệnh lý khác kèm theo thì cha mẹ có thể yên tâm là trẻ vẫn khỏe mạnh, không có bệnh gì. Sau đó, cơ thể trẻ sẽ tự điều chỉnh và hồi phục.
Các bậc cha mẹ cũng cần lưu ý, các bệnh ở đường tiêu hóa rất dễ nhầm lẫn với nhau và nhẫm lẫn với các bệnh khác vì cơ thể cũng biểu hiện bằng các triệu chứng đã kể ở trên, nên nếu không phát hiện kịp thời có thể sẽ nguy hiểm. Ví dụ, nếu triệu chứng ói, tiêu chảy có kèm theo sốt, ho, chảy mủ tai thì có thể trẻ đang mắc bệnh viêm tai giữa cấp hoặc có biến chứng viêm màng não. Trẻ bị viêm phổi nặng, ngoài sốt, ho, thở mệt cũng có thể bị ói đờm, tiêu chảy.
Do đó, trước một triệu chứng của rối loạn tiêu hóa, bản thân của nó có thể thoáng qua hoặc do một bệnh nào đó của đường tiêu hóa hoặc ngoài đường tiêu hóa. Vì vậy, cần lưu ý tổng trạng của trẻ để có cách xử trí thích hợp. Tốt nhất là đưa trẻ đến bác sĩ khi tình trạng rối loạn tiêu hóa của trẻ có diễn biến nặng hơn hoặc kèm theo một triệu chứng bệnh lý khác.
Có nhiều bà mẹ “than thở “ con bị rối loạn tiêu hóa kéo dài, uống mem vi sinh thì khỏi, không uống thì tái phát, do đó lo sợ con bị phụ thuộc men tiêu hóa. Thực tế, không có khái niệm rối loạn tiêu hóa kéo dài. Khi tình trạng đi ngoài của bé kéo dài, bạn nên đưa đi bác sĩ khám để chấn bệnh, tìm bệnh cụ thể, sau đó chữa trị theo phác đồ của bệnh đó. Việc tự ý cho trẻ uống men vi sinh cũng không thể giải quyết hết “gốc” của bệnh, ví dụ nếu trẻ đi ngoài do lỵ thì phải uống kháng sinh mới khỏi, còn men vi sinh thì không có tác dụng.
Việc uống men vi sinh dài ngày tuy không có tác hại nhưng không cần thiết. Vì bản thân ruột đã có vi khuẩn có lợi, sẽ tự cân bằng. Khi bổ sung dư thì cũng sẽ được loại thải ra ngoài qua đường phân. Chỉ khi ruột thiếu (trường hợp trẻ bị loạn khuẩn) bổ sung men vi sinh là cần thiết.
“Men vi sinh” tự nhiên tốt nhất chính là hệ vi khuẩn đường ruột cân bằng. Sữa mẹ là thực phẩm nuôi dưỡng và tạo hệ vi sinh tốt nhất, với trẻ đã ăn dặm thì chế độ ăn cân bằng, phù hợp lứa tuổi còn hơn các loại men tiêu hoá. Ngoài ra, sữa chua có chứa men vi sinh tốt, tuy nhiên chỉ nên cho trẻ ăn sữa chua khi trên 12 tháng tuổi.
Đối với trẻ, do hệ tiêu hóa còn non yếu, chưa sẵn sàng chứa một khối lượng lớn thức ăn, do đó tránh cho trẻ ăn uống nhiều một loại thức ăn, nước uống trong ngày.
Nguyên nhân dẫn đến rối loạn tiêu hóa ở trẻ em
Nói về nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa thì có nhiều, nhưng đối với trẻ em thì những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng này là do trẻ chưa ý thức được vấn đề vệ sinh cơ thể, vệ sinh ăn uống, nề nếp sinh hoạt và sự lây nhiễm qua tiếp xúc. Đặc biệt là đối với học sinh thì những rối loạn tiêu hóa thường gặp là táo bón và tiêu chảy cấp.
Táo bón ở trẻ em
Táo bón là một trong những triệu chứng rất phổ biến của bệnh lý hệ thống tiêu hoá và cũng là triệu chứng xuất hiện trong rất nhiều bệnh lý khác trong cơ thể. Tuy chỉ là triệu chứng nhỏ không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống nhưng gây nhiều phiền toái cho bệnh nhân và nếu táo bón xảy ra kéo dài ở trẻ em, rất dễ dẫn tới các tổn thương thực thể của đại trực tràng nếu không được điều trị kịp thời.
Có rất nhiều nguyên nhân gây táo bón như sau sốt cao, do dùng thuốc; do thói quen đi đại tiện không đều; do chế độ ăn nhiều đạm, ít chất xơ, do căng thẳng thần kinh, do tổn thương trong ống tiêu hóa… tuy nhiên ở trẻ em trong độ tuổi đi học thường táo bón do một vài nguyên nhân sau: chứng táo bón do chế độ ăn không đủ nước và chất xơ. Những trẻ ăn chế độ ăn đặc biệt với thức ăn nhanh – giàu chất béo (thịt rán, sữa trứng khuấy sẵn) và đường (kẹo, nước ngọt nhiều đường) có thể bị táo bón thường xuyên hơn. Thường thì chứng táo bón xuất hiện sau khi trẻ trải qua một thời gian viêm nhiễm, không khỏe.
Trong khi bị ốm, trẻ thường không uống đủ lượng nước cần thiết khiến chất thải trở nên rắn và rất khó di chuyển. Những chất thải này sẽ gây xước hậu môn và là nguyên nhân gây ra bệnh nứt hậu môn. Stress cũng có thể dẫn tới táo bón, trẻ có thể bị táo bón khi chúng lo lắng về điều gì đó, chẳng hạn như khi trẻ bắt đầu đi học ở trường mới hoặc khi trẻ gặp vấn đề gì đó ở nhà. Trẻ lười đi vệ sinh, thậm chí ngay cả khi trẻ có “nhu cầu”. Tuy nhiên đây lại là một nguyên nhân ít được để ý đến.
Một số trẻ bị táo bón do mắc phải hội chứng ruột kích thích (IBS), có thể xảy ra khi trẻ bị stress hoặc khi trẻ ăn phải thức ăn nào đó, thường là thức ăn quá nhiều chất béo hoặc gia vị. Tuy nhiên cũng cần chú ý trong một số trường hợp, táo bón kéo dài có thể là dấu hiệu của một bệnh lý thực thể nào đó như dài đại tràng, trĩ… vì vậy cần đưa trẻ đến bác sĩ để thăm khám nếu táo bón kéo dài.
Tiêu chảy cấp ở trẻ
Cũng giống như ở người lớn, nguyên nhân gây tiêu chảy cấp ở trẻ em thường gặp nhất là do nhiễm trùng, đây là loại tiêu chảy gặp khắp nơi trên thế giới đặc biệt ở các nước kém phát triển, đồng thời là nguyên nhân gây suy dinh dưỡng và tử vong cao ở trẻ em. Sở dĩ nguyên nhân gây tiêu chảy cấp chủ yếu do nhiễm khuẩn vì điều kiện vệ sinh thấp kém, môi trường ô nhiễm, thiếu nước sạch, ăn ở đông đúc chật chội, thiếu giáo dục và y tế. Hầu hết nhiễm trùng gây tiêu chảy cấp lây truyền qua đường phân – tay – miệng, qua nước và thức ăn nhiễm bẩn.
Khi bị tiêu chảy cấp, ngoài đi đại tiện nhiều lần trong ngày, phân lỏng nhiều nước, thường có kèm theo nôn mửa, đau bụng, sốt và các biểu hiện toàn thân khác tùy theo từng nguyên nhân. Các nguyên nhân hay gặp gây nên tiêu chảy cấp ở trẻ em là:
– Tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn, do các vi khuẩn dạng campylobacter gây ra. Ổ chứa vi khuẩn là động vật, thường là ở gia súc và gia cầm như chó con, mèo con, chim, lợn, các động vật gặm nhấm… đều có thể là nguồn lây bệnh cho người. Nguyên nhân các vụ dịch xảy ra phần lớn liên quan đến thức ăn và nhất là thịt gia cầm không được nấu chín, sữa không được tiệt khuẩn và nước chưa được lọc sạch.
– Tiêu chảy cấp do salmonela: đây là nguyên nhân hay gặp nhất trong các nguyên nhân gây ra ngộ độc thức ăn. Khi nhiễm vi khuẩn, sau 12 – 36 giờ sẽ xuất hiện các biểu hiện đau bụng dữ dội vùng thượng vị và quanh rốn, đôi khi đau lan tỏa khắp bụng; buồn nôn và nôn nhiều lần, ỉa chảy nhiều lần trong ngày, dẫn đến mất nước nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến thiểu niệu, vô niệuvà tử vong do rối loạn nước và điện giải. Điều trị chủ yếu bổ sung nước và điện giải, hạ sốt, an thần và cân nhắc khi sử dụng kháng sinh.
– Tiêu chảy cấp do độc tố của tụ cầu: bệnh cảnh này là do ăn phải thức ăn đã nhiễm ngoại độc tố của tụ cầu vàng. Sau khi nhiễm từ 30phút – 6giờ, bệnh nhân đột ngột xuất hiện đau bụng dữ dội vùng thượng vị nhiều hơn vùng rốn, đau quặn từng cơn; buồn nôn và nôn nhiều lần trước khi đi ngoài nhiều lần trong ngày, phân nhiều nước; thường không có sốt hoặc sốt nhẹ, nhức đầu, mệt mỏi, có thể rối loạn nước và điện giải dẫn đến trụy tim mạch, dễ gây tử vong ở trẻ nhỏ. Điều trị chủ yếu là bổ sung nước và điện giải, trợ tim mạch.
– Bệnh do Rotavirus: bệnh lây theo đường tiêu hóa qua thức ăn, nước uống nhiễm virus. Virus này chủ yếu gây bệnh cho trẻ em dưới 2 tuổi; thường xuất hiện sau 24 – 48h, khởi phát đột ngột với các triệu chứng sốt cao hoặc không sốt, nôn nhiều, ỉa chảy nhiều lần trong ngày, phân nhiều nước, đôi khi dẫn đến rối loạn nước và điện giải rất nhanh. Điều trị chủ yếu là điều chỉnh cân bằng nước và điện giải.
– Bệnh do phẩy khuẩn tả: Bệnh lây nhiễm theo đường tiêu hóa, do ăn phải thức ăn, nước uống… bị nhiễm mầm bệnh trong quá trình nuôi trồng, chế biến, bảo quản… hoặc do ruồi nhặng, chuột gián… làm lây lan mầm bệnh. Đặc biệt nguồn nước bị ô nhiễm là phương tiện lây truyền hết sức nguy hiểm. Bệnh thường xảy ra vào mùa hè, đặc biệt những vùng sau lũ lụt; thường xuất hiện ở các nước và những vùng có trình độ kinh tế xã hội thấp kém, không cung cấp đủ nước sạch, điều kiện vệ sinh môi trường không tốt.
Sau khi nhiễm phẩy khuẩn tả, bệnh biểu hiện đột ngột xuất hiện ỉa lỏng dữ dội, phân toàn nước, màu trắng đục như nước vo gạo có lẫn những hạt trắng lổn nhổn mùi tanh. Đi ngoài dễ dàng, số lượng nhiều, nhiều lần. Sau khi đi lỏng vài giờ sẽ xuất hiện nôn, nôn dễ dàng, số lượng nhiều, lúc đầu là nước và thức ăn, sau dịch giống như dịch phân; thường không sốt hoặc sốt nhẹ; bệnh nhân mệt lả, khát nước, có khi xuất hiện khó thở, các đầu chi lạnh rúm ró, mạch nhanh nhỏ, khó bắt, huyết áp tụt. Nếu không điều trị kịp thời bệnh nhân sẽ tử vong vì shock không hồi phục.
Vai trò của hệ vi sinh với tiêu hóa của trẻ
Hệ vi sinh đóng một vai trò rất quan trọng ở đường tiêu hóa, đặc biệt là ở đại tràng. Ở đại tràng có khoảng 400 – 500 loại vi khuẩn có ích khác nhau, ngoài việc tham gia vào khâu cuối cùng của quá trình tiêu hóa còn đảm nhiệm chức năng bảo vệ đại tràng. Các vi khuẩn này có nhiệm vụ biến đổi chất xơ thực phẩm, thức ăn chưa tiêu hóa hết ở ruột non thành acid lactic, acetic, butyric, hàng loạt vitamin, axit amin, men, hocmon và các chất dinh duỡng quan trọng khác. Đồng thời sinh ra các khí như NH3, CO2, H2S… Quá trình biến đổi đó gọi chung là quá trình lên men, mà nhờ nó, thức ăn được tiêu hóa hoàn toàn. Trong môi truờng hoạt động của đại tràng, các vi khuẩn có ích có khả năng lấn áp, đè bẹp và tiêu diệt rất nhiều loại vi khuẩn gây bệnh.
Dự phòng rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ như thế nào?
Táo bón: Tập cho trẻ có thói quen đi đại tiện đúng giờ, những ngày đầu chưa quen, trẻ không đại tiện được cũng không sao, cứ kiên trì, đúng giờ cho trẻ ngồi vào bô như vậy (khoảng 10-15 phút), nói chung khoảng vài tuần sau là có thể tạo thành thói quen phản xạ đi ngoài.
Tăng cường rau xanh trong bữa ăn của trẻ kết hợp hoa quả như cam, bưởi, đặc biệt là chuối, cho trẻ ăn 1 – 2 quả chuối một ngày có thể đạt được hiệu quả của việc nhuận tràng, uống nước đun sôi để ấm. Ngoài ra có thể cho trẻ uống một chút nước mật ong vào sáng sớm, mỗi lần uống không ít hơn 60ml và pha bằng nước sôi.
Tiêu chảy: Để dự phòng tiêu chảy cấp cho trẻ, người lớn (gia đình và nhà trường) cần giáo dục cho học sinh có ý thức giữ gìn môi trường sạch sẽ; giữ gìn vệ sinh cá nhân như luôn rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; không chơi đùa tại những nơi có rác bẩn; không ăn thức ăn đường phố, thức ăn không đảm bảo vệ sinh; ăn chín uống sôi… Với người lớn thì cần chế biến và bảo quản thức ăn, nước đảm bảo an toàn thực phẩm; phải đảm bảo có “đôi bàn tay sạch” khi chế biến thức ăn; quản lý tốt chất thải sinh hoạt ra môi trường. Không nên để trẻ gần gũi, ôm ấp vật nuôi, đặc biệt khi vật nuôi có dấu hiệu bị ốm. Cần cách ly trẻ mang bệnh với các trẻ khác để tránh bệnh lây lan…
Rối loạn tiêu hóa là chứng bệnh thường gặp và cũng có nhiều người chủ quan nên đã có những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Do đó, người lớn nên quan tâm tới vấn đề tiêu hóa của trẻ để có biện pháp can thiệp kịp thời, tránh những biến chứng có hại cho sức khỏe của trẻ. Điều quan trọng là cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ khi trẻ gặp rối loạn tiêu hóa để được khám, chẩn đoán và có biện pháp điều trị thích hợp.
Biện pháp giải quyết tận gốc rối loạn tiêu hóa cho trẻ
Khi trẻ có các dấu hiệu của rối loạn tiêu hóa, bên cạnh các biện pháp như: giữ vệ sinh trong ăn uống, tẩy giun đúng lịch, điều chỉnh chế độ ăn phù hợp. Cần chú ý bổ sung sớm men vi sinh có ích cần thiết cho hệ tiêu hóa của trẻ.
Theo Tổ chức Y tế thế giới: “Men vi sinh là các chế phẩm tổng hợp giúp bổ sung các vi khuẩn có lợi nhằm tạo nên sự cân bằng vi khuẩn trong hệ tiêu hóa và ức chế các vi khuẩn có hại gây bệnh và tiết độc tố. Men vi sinh được dùng cho trẻ trong trường hợp bị rối loạn tiêu hóa do loạn khuẩn đường ruột, biểu hiện là các triệu chứng biếng ăn, tiêu chảy, phân sống, táo bón…”
Bình luận (0)
Chưa có bình luận nào. Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài.