Trẻ bị rối loạn tiêu hóa có sốt không?
Rối loạn tiêu hoá ở trẻ thường gây tiêu chảy, phân sống, đầy bụng khó tiêu,…Tuy nhiên, trẻ bị rối loạn tiêu hoá có sốt không? Rất nhiều người tò mò về điều này, cùng tìm câu trả lời trong bài viết sau các mẹ nhé.
Mục lục
Trẻ bị rối loạn tiêu hóa có sốt không?
Khi bé bị rối loạn tiêu hoá, ngoài các triệu chứng táo bón, tiêu chảy, đầy bụng khó tiêu, phân sống thì một vài trường hợp trẻ có kèm theo sốt nhẹ hoặc sốt cao, toàn thân mệt mỏi, xanh xao.
Tuy nhiên, sốt không phải là biểu hiện điển hình và thường gặp của rối loạn tiêu hoá. Sốt cao cũng cảnh báo với việc cơ thể đang bị viêm một vùng nào đó, phản ứng chống viêm làm nhiệt độ cơ thể tăng cao.
Do đó nếu bé bị rối loạn tiêu hóa và sốt cha mẹ không nên xem thường, bởi có thể ngoài chứng rối loạn tiêu hóa có thể con đang gặp phải một số bệnh khác kèm theo. Vì thế nên đưa trẻ đi khám và thực hiện theo giải pháp điều trị mà bác sỹ chuyên khoa đưa ra.
Ngoài sốt, rối loạn tiêu hóa có những biểu hiện gì?
Nôn trớ nhiều (thường gặp ở trẻ dưới 12 tháng tuổi)
Trẻ nhỏ thường hay bị nôn trớ vì thực quản của trẻ ngắn, phần dưới nở rộng, lớp cơ chưa phát triển hoàn chỉnh và còn yếu, cơ tâm vị co thắt bất thường.
Vì thế, nếu mẹ quan sát thấy trẻ vài ngày bị một lần hoặc ăn no quá bị trớ thì là bình thường nhưng nếu trẻ nôn trớ thường xuyên, ăn vào lại nôn thì có thể là tiêu hóa của trẻ có vấn đề.
Táo bón
Táo bón là triệu chứng rất thường gặp ở mọi trẻ, táo bón không phải là bệnh mà là rối loạn cơ năng hoặc là 1 triệu chứng của các bệnh lý khác nhau gây ra.
Trẻ bị táo bón sẽ có các triệu chứng như 2-3 ngày đại tiện một lần, phân cứng, khuôn phân to, trẻ có thể bị đau bụng khi đại tiện và thậm chí có lẫn chút máu ở đầu phân.
Tình trạng táo bón có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như viêm ruột, thủng ruột, trĩ, nửa hậu môn…
Tiêu chảy
Trẻ bị rối loạn tiêu hóa thường có hiện tượng tiêu chảy cấp, phân lỏng như nước, đi trên 3 lần một ngày, phân thường có mùi tanh, phân sống nên thường có màu trắng hay còn nguyên thức ăn chưa được tiêu hóa hoặc có bọt, đi nhiều có thể có nhầy.
Đầy bụng, khó tiêu, ợ hơi
Các triệu chứng đầy bụng, khó tiêu, chướng hơi, ợ hơi,… thường xuất hiện ở trẻ bị rối loạn tiêu hóa. Ngoài ra còn có biểu hiện hôi miệng.
Chán ăn, ăn ít, quấy khóc
Khi bị rối loạn tiêu hóa trẻ thường kém ăn, lười ăn do hệ tiêu hóa hoạt động kém hiệu quả nên khả năng hấp thu và tiêu hóa kém. Nhiều trẻ chỉ uống sữa và không chịu ăn cháo, cơm, lười vận động, hay quấy khóc.
Trên đây chỉ là 5 biểu hiện thường thấy, bạn có thể xem thêm các triệu chứng trẻ bị rối loạn tiêu hóa để hiểu rõ hơn về các triệu chứng này
Cha mẹ nên làm gì?
Sau khi xác định trẻ bị rối loạn tiêu hóa kèm theo sốt, các mẹ hãy thực hiện các biện pháp khắc phục này để cải thiện tình trạng bệnh ở trẻ:
- Điều chỉnh lại chế độ ăn uống phù hợp cho trẻ bởi trẻ ở mỗi lứa tuổi có nhu cầu ăn khác nhau. Trong khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa mẹ nên hạn chế cho bé ăn nhiều chất đạm, mỡ, đường, nên tăng cường chất xơ, tinh bột.
- Vấn đề vệ sinh thân thể, môi trường sống, thực phẩm luôn phải đặt lên hàng đầu để phòng ngừa tình trạng nhiễm khuẩn.
- Chế biến thức ăn đúng cách và phù hợp cũng là việc làm quan trọng.
- Giúp trẻ giảm đầy bụng bằng chườm nóng và mát xa nhẹ nhàng.
Xem thêm: [Tổng hợp] Trẻ bị rối loạn tiêu hóa uống thuốc gì nhanh khỏi và an toàn?
Cách phòng ngừa
Dù trẻ bị rối loạn tiêu hóa kèm theo sốt hay không sốt nếu không được chữa trị kịp thời có thể khiến trẻ bị suy dinh dưỡng, suy giảm hệ miễn dịch đồng thời phát triển chậm cả về thể chất và trí não.
Vì vậy, các mẹ nên tìm hiểu các cách phòng ngừa rối loạn tiêu hóa để giúp trẻ phát triển khỏe mạnh:
– Cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu: Vì trong sữa mẹ không chỉ có những dưỡng chất cần thiết để bé có thể phát triển khoẻ mạnh cả về thể chất lẫn não bộ mà còn giúp bé nâng cao hệ miễn dịch, từ đó giúp phòng ngừa được nhiều bệnh tật, trong đó có rối loạn tiêu hóa.
– Có chế độ ăn uống khoa học và hợp lý: Để phòng ngừa rối loạn tiêu hóa ở trẻ nhỏ, các mẹ nên duy trì chế độ ăn uống khoa học, hợp lý. Dưới đây là một số lưu ý về chế độ ăn uống của trẻ:
+ Thực đơn dinh dưỡng cần đa dạng, an toàn và lành mạnh, đáp ứng được các nhu cầu của trẻ theo cân nặng, độ tuổi cũng như các đặc điểm riêng của cá nhân.
+ Nên chọn các thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất.
+ Cân đối thời gian giữa các bữa ăn sao cho hợp lý, tránh cho trẻ ăn vặt thường xuyên khi đến bữa chính lại không muốn ăn.
+ Mẹ nên chia nhỏ các bữa ăn của trẻ. Thay vì 3 bữa, hãy cho trẻ ăn 5-6 bữa/ngày.
+ Cho trẻ sử dụng các sản phẩm lên men tự nhiên từ sữa chứa nhiều lợi khuẩn tốt cho hệ tiêu hóa.
– Chỉ sử dụng kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ: Thuốc kháng sinh sẽ tiêu diệt cả hại khuẩn và lợi khuẩn trong cơ thể trẻ, về lâu dài sẽ khiến cho hệ vi sinh bị mất cân bằng, gây rối loạn tiêu hóa. Bên cạnh đó, lạm dụng kháng sinh khi không cần thiết có thể gây tình trạng kháng kháng sinh. Do vậy, tốt nhất mẹ không nên lạm dụng thuốc kháng sinh, chỉ dùng khi bác sĩ chỉ định.
– Giữ gìn vệ sinh cho bé: Các mẹ nên rửa tay, vệ sinh cá nhân cho trẻ liên tục trong ngày, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Ngoài ra, môi trường sống hàng ngày có rất nhiều vi khuẩn, mẹ không nên cho bé chơi, ngậm những loại đồ chơi không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Thường xuyên vệ sinh đồ chơi cho trẻ.
– Tiêm phòng đầy đủ cho bé: Việc tiêm phòng đầy đủ cho bé sẽ tránh được nhiều căn bệnh nguy hiểm và cả những vấn đề về rối loạn tiêu hóa.
Như vậy, trẻ bị rối loạn tiêu hóa có sốt không sẽ tùy thuộc vào từng trường hợp bởi sốt không phải là dấu hiệu đặc trưng. Tuy trẻ nhỏ khó tránh khỏi những bất ổn do hệ tiêu hóa chưa hoàn chỉnh, miễn dịch còn non yếu nhưng các mẹ có thể chủ động phòng tránh, hạn chế nguy cơ mắc bệnh cho con và khắc phục rối loạn tiêu hóa đúng đắn để trẻ phát triển tốt nhất.
Bình luận (0)
Chưa có bình luận nào. Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài.